Đại sứ Đoàn Xuân Hưng nhìn lại thành tựu lớn nhất của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản
Trong câu chuyện của Đại sứ Đoàn Xuân Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2011-2015), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, có những kỷ niệm không thể nào quên, như những hạt nhân gần gũi, đời thường đã và đang không ngừng tương tác, kết nối để góp phần vun đắp mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Đại sứ Đoàn Xuân Hưng |
Thưa Đại sứ, nhìn lại chiều dài 50 năm quan hệ Việt Nam - Nhật bản, theo ông đâu là những thành tựu nổi bật nhất về kinh tế và ngoại giao?
Thành tựu nổi bật nhất cho đến nay là Việt Nam và Nhật đã xây dựng được quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng. Đây vừa là thực chất, vừa là toàn diện và đặc trưng bởi sự tin cậy chính trị rất cao giữa lãnh đạo cũng như là nhân dân hai nước. Đó là nền tảng cho tất cả các mối quan hệ để chúng ta phát triển hợp tác về lâu dài.
Cho đến nay, lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau rất thường xuyên. Thủ tướng và lãnh đạo hai bên thăm hai nước và gặp gỡ thường xuyên; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội ta sang thăm Nhật Bản; từ phía Nhật là lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện, cao điểm năm 2017 là Nhật Hoàng và Hoàng Hậu Nhật đã sang năm Việt Nam...
Nhiều Thủ tướng Nhật mới lên đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để đến thăm, coi trọng mối quan hệ và rất yêu quý Việt Nam. Theo tôi thấy, nếu so với riêng nhóm các nước phát triển, Việt Nam chưa có một mối quan hệ nào đặc biệt đến như vậy. Điều này thực sự vô cùng ý nghĩa.
Còn về lĩnh vực đối ngoại, bao gồm cả chính trị, an ninh thì, trên bình diện song phương và đa phương, gần như hai nước có thể trao đổi được với nhau về mọi vấn đề trên cơ sở tin cậy, sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với nhau một cách thực chất. Những gì đang có không phải có được trong một sớm một chiều mà là kết quả của cả một quá trình kiên trì trao đổi, củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác cùng có lợi.
Nhật bản và Việt Nam đã có được những thành tựu nổi bật nào về kinh tế trong nửa thế kỷ qua, thưa ông?
Về kinh tế thương mại, quan hệ Việt Nam - Nhật cũng đã có rất nhiều thành tựu trong 50 năm qua. Nếu so với Nhật, quy mô của kinh tế Việt Nam còn rất nhỏ, thế nhưng Nhật coi phía Việt Nam là đối tác chiến lược, thực sự coi trọng chứ không phải mang tính hình thức. Cho đến bây giờ, Nhật Bản dành cho chúng ta viện trợ phát triển chính thức lớn nhất, tổng cộng từ năm 1992 đến nay con số lên đến trên 3 nghìn tỷ yên.
Không nước nào cung cấp viện trợ phát triển chính thức lớn như Nhật và nay vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ cho chúng ta. Các cuộc gặp gần đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Fumio Kishida cho thấy điều đó. Đầu tư của Nhật rất lớn, luôn trong số những nước đứng đầu, đứng thứ hai nhiều năm, có nhiều khi đứng thứ nhất. Đầu tư của Nhật vào Việt nam nhìn chung là rất hiệu quả và chất lượng cao.
Về thương mại hai chiều, cách đây 10 năm thì trên dưới 30 tỷ USD, cho đến bây giờ cũng đã 50 tỷ USD. Tuy nhiên con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và mức độ quan hệ của hai nước.
Thành tựu về giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam và Nhật cũng rất lớn. Số du học sinh Việt Nam sang Nhật tăng rất cao, đứng thứ 2 trong cộng đồng du học sinh nước ngoài tại Nhật, thể hiện cho mong muốn của chúng ta trong học tập kinh nghiệm quí báu của Nhật và hợp tác lâu dài với phía Nhật.
Hiện nay cả hai bên đều nói rằng mối quan hệ hai nước tốt đẹp nhất từ trước đến giờ.
Trong quá trình làm Đại sứ tại Nhật Bản, những kỷ niệm nào là đáng nhớ nhất với ông?
Năm 2009, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh sang thăm chính thức Nhật bản. Hai bên ký kết tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Năm 2014, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm cấp nhà nước tại Nhật, hai bên đã thống nhất nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược thành đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Thực ra chúng ta muốn dùng từ toàn diện, phía Nhật hoàn toàn chia sẻ quan điểm này nhưng phía Nhật muốn chọn cụm từ “sâu rộng”. Trong quá trình chuẩn bị chuyến thăm, Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Abe khi đó đã trao đổi với tôi, khẳng định Thủ tướng Abe sẽ ủng hộ nâng cấp quan hệ và đề nghị sẽ lựa chọn cụm từ này cho phù hợp với quan hệ hai nước. “ Đối tác chiến lược sâu rộng”, theo tôi, cũng tạo ra sự khác biệt.
Đó là mối quan hệ gần gũi thân tình. Thống đốc của tỉnh Ibaraki mà Chủ tịch nước đến thăm kết bạn với tôi rất lâu. Ông ấy nói rằng: “Tôi biết ơn ngài Đại sứ rất nhiều vì đã thu xếp Chủ tịch nước đến thăm quê hương tôi. Chưa có một vị lãnh đạo nước ngoài nào đến thăm như thế này. Chuyến thăm thực sự đã làm thay đổi cả tỉnh tôi: người dân bắt đầu nhìn nhiều hơn ra bên ngoài và thấy rằng chúng tôi có những cơ hội mới để phát triển thông qua thúc đẩy kinh tế thương mại”. Và sau đó, tháng 10/2014 ông Thống đốc đã dẫn một đoàn hơn 100 người sang thăm Việt Nam,và từ đó dốc lòng dốc sức thúc đẩy quan hệ của tỉnh Ibaraki với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong nhiệm kỳ của mình, tôi đã cố gắng tôi đa kế tục và tiếp nối công việc của các đại sứ trước. Tôi cảm thấy rất vinh dự góp phần đẩy quan hệ lên tầm cao mới. Tôi đã có quan hệ thân thiết với rất nhiều nghị sỹ, nhiều bộ trưởng, nhiều chính khách Nhật Bản, đi thăm nhiều địa phương của Nhật. Đến đâu tôi cũng đề nghị thành lập các tổ chức hữu nghị với Việt Nam. Tôi đã đến 37 tỉnh. Ở nhiều trong số các tỉnh này đã lập ra các tổ chức hữu nghị với Việt Nam.
Một tỉnh rất nổi bật trong mối quan hệ với Việt Nam là Kanagawa, mà họ vừa tổ chức lễ hội tỉnh Kanagawa tại Hà Nội vào cuối tháng 11/2022. Trước đây tôi được người bạn thân, một cựu hạ nghị sỹ Nhật bản, từng học Đại học Waseda giới thiệu với ông Thống đốc Kanagawa, người cũng từng học tại Washeda. Ông ấy đã đặt cơm hộp về đãi tôi trong phòng làm việc của Thống đốc, vừa ăn vừa trò chuyện rất thân tình. Ông ấy nói chưa bao giờ đến Việt Nam. Tôi đã khích lệ ông ấy sớm đi thăm Việt Nam, hứa giới thiệu ông ấy với Thủ tướng ta – người sang thăm Nhật bản không lâu sau đó. Thủ tướng đã tiếp chuyện thân tình ông Thống đốc, rất ấn tượng về tỉnh Kanagawa và mời ông sang thăm Việt Nam.
|
Sau đó ông thống đốc sang thăm Việt nam năm 2014. Thủ tướng ta đã tiếp. Chủ tịch nước mời ăn sáng. Ông cũng đến thăm Quảng Ninh theo lời mời của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính, thăm Đà Nẵng và nhiều nơi khác. Nhờ chuyến thăm này, ông ấy như phát hiện ra những điều mới mẻ ở Việt nam và bắt đầu rất yêu mến Việt Nam. Chúng tôi đã bàn với nhau và thống nhất tổ chức lễ hội Việt Nam tại tỉnh Kanagawa năm 2015, một lễ hội hoành tráng với 400 nghìn lượt người dự trong 3 ngày, với sự tham gia diễn thuyết của ông Thống đốc và sự có mặt của các đại sứ Việt nam( tôi với tư cách là đại sứ tiền nhiệm và đại sứ đương nhiệm Nguyễn Quốc Cường). Điều rất ý nghĩa là, chúng tôi đã mời được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong chuyến thăm chính thức tới Nhật bản dịp đó, đến dự phiên khai mạc. Lễ hội đã thành công ngoài dự kiến. Và sau đó, dưới sự khích lệ của tôi thì ông thống đốc đã sang tổ chức lễ hội tỉnh Kanagawa tại Việt Nam, ở tượng đài Lý Thái Tổ. Lễ hội Kanagawa đã được tổ chức vài lần tại Hà Nội, nhưng do Covid – 19 nên bị gián đoạn 2 năm. Mới đây bạn tổ chức Lễ hội này vào tháng 11/2022.
Một kỷ niệm khác đáng nhớ là tôi đã thuyết phục được ban tổ chức Lễ hội Việt nam tại Nhật bản để đưa múa rối nước của Việt Nam sang Nhật biểu diễn. Ban đầu BTC của bạn cho rằng không thể được, vì sẽ rất tốn kém. Tôi đã đưa ra giải pháp kỹ thuật và bạn rất vui mừng chấp nhận. Múa rối nước đã được tổ chức ở Lễ hội Việt Nam tại Tokyo, rất thành công, rất đông người đến xem và cổ vũ. Khi tổ chức đoàn múa rối nước biểu diễn ở Yokohoma, thủ phủ tỉnh Kanagawa, ông Thống đốc đã trực tiếp đưa mẹ già đến xem và rất xúc động. Khản giả Nhật vô cùng thích thú. Tôi hạnh phúc vì được góp phần cùng gắn kết mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với những kỷ niệm thân tình như vậy.
Những kỷ niệm như vậy cho thấy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có phải ngày càng gần gũi trong tình cảm người dân hai nước và không ngừng được mở rộng, phát triển không, theo quan điểm của ông?
Đúng vậy. Chúng ta có thể thấy rất rõ. Ví như một điểm nhấn trong nhiệm kỳ của tôi chính là việc đã đưa các hoạt động của Đại sứ và cơ quan đại diện không chỉ tập trung ở Thủ đô là chính mà còn mở rộng ra các địa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương Việt nam với Nhật và các địa phương của Nhật với Việt Nam.Đặc biệt, việc hợp tác lao động đã có bước đột biến.
Ví dụ, năm 2011, khi tôi sang nhận nhiệm vụ ở Nhật, ước tính có khoảng 7.000 người Việt Nam sang làm việc tại Nhật, nhưng hơn 3 năm sau, năm 2015, số lao động sang Nhật đã lên mức 30.000 người hàng năm.
Trong nhiệm kỳ của mình, tôi có vinh dự được nhận 4 Kỷ niệm chương của các bộ, ngành Kế hoạch – Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn hóa – Thể thao và Du lịch và Lao động, Thương binh và xã hội vì những đóng góp thực chất cho hợp tác trong các lĩnh vực đó Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đã trực tiếp trao cho tôi tại trụ sở các bộ này, với sự chứng kiến của các cán bộ chủ chốt của các bộ ngành liên quan. Trong những năm đó, ĐSQ đã có những đóng góp có ý nghĩa vào sự hợp tác trong các lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, giao lưu văn hóa, tăng cường xuất khẩu lao động…Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhật là một thị trường rất khó tính về nông nghiệp, bởi họ bảo hộ, trợ cấp nông nghiệp vô cùng lớn. Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp là việc rất khó, là bài toán hóc búa. Tuy nhiên, từng bước chúng tôi đã thuyết phục để phía Nhật hiểu rằng hoàn toàn có cơ hội để hai nước hợp tác cùng có lợi. Tôi đã trực tiếp gặp các vị được cử làm bộ trưởng nông nghiệp Nhật bản trong những năm đó( khoảng 3-4 người).
Hướng hợp tác trên cụ thể thế nào và kết quả sau đó, thưa Đại sứ?
Tôi từng đến thăm nông trại xoài ở Hokkaido. Họ trồng được xoài rất đẹp mã, thơm ngon , nhưng phải trồng trong nhà kính, giá thành đắt ( khoảng50-60 USD/cân), đắt gấp nhiều lần của Việt Nam. Tôi nói rằng ở Việt Nam, có đất đai phù hợp, khí hậu nhiệt đới, dễ trồng xoài. Nhật có công nghệ cao. Nếu hai bên hợp tác thì sẽ có xoài ngon, chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn nhiều so với trồng bên Nhật. Nếu hợp tác, chắc chắn hai bên sẽ cùng được lợi. Với sự kiên trì của phía Việt Nam, với quan hệ ngày càng tin cậy, phía Nhật bản dần đồng ý hợp tác về nông nghiệp với chúng ta trên một số lĩnh vực, ngành nghề, kể cả bắt đầu nhập một số loại hoa quả của Việt nam. Bộ trưởng Cao Đức Phát sau đó đã rất ghi nhận những nỗ lực của chúng tôi thúc đẩy hợp tác nông nghiệp và thành công bước đầu. Ông cũng tỏ rất tin tưởng ở chúng tôi.
Hoặc như câu chuyện của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tổng công ty cổ phần thực vật An Giang( sau này đổi thành Tập đoàn Lộc Trời). Ông Thòn đã đưa người sang Nhật để tìm hướng hợp tács, có đến ĐSQ và trao đổi khá kỹ với tôi. Sau này chúng tôi trở thành những người bạn khá thân thiết. Ông Thòn cho biết những bác nông dân đi cùng đoàn chứng kiến cuộc trò chuyện và tâm huyết của tôi về vấn đề hợp tác nông nghiệp đã gán cho tôi danh hiệu “ đại sứ của người nông dân”. Tôi thấy vui về điều đó, vì thực sự mình rất quan tâm đến nhà nông, đến nông nghiệp.
Tôi cũng được cho là người đầu tiên đưa đoàn doanh nghiệp Nhật bản lớn của Nhật bản( gần 40 người) trực tiếp đến thăm Đồng bằng sông Cửu Long. Họ đến cả Cần Thơ, Làm việc với Ban Chỉ đạo Tây nam Bộ và lãnh đạo 13 tỉnh thành, thăm Cần Thơ, Hậu Giang và Đồng Tháp. Từ chuyến đi này, xoài Cát Chu sau đó đã được xuất khẩu sang Nhật, rồi xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Còn nhớ, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Mê Công của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật đã tìm đến tôi để đề nghị tôi giúp đỡ thu xếp cho Đoàn của Ủy ban đi thăm Việt nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật có trên 1,3 triệu thành viên, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi xem chương trình dự kiến, tôi thấy họ chỉ đi Hà Nội, TP.HCM.
Tôi đã thuyết phục họ nên bố trí đến thăm trực tiếp đồng bằng sông Cửu long, lý do tại sao nên như vậy. Họ đã được thuyết phục. Sau chuyến đi của Đoàn ban Lãnh đạo Ủy ban Hợp tác Mê Công, họ đã cử một đoàn doanh nghiệp 40 người quay trở lại thăm Đồng bằng Sông Cửu Long. Tôi được Bộ trưởng Ngoại giao cho phép về tham gia hoạt động cùng Đoàn, đến làm việc với Ban Chỉ đạo TâyNam bộ, Lãnh đạo các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang và Đồng Tháp. Chuyến đi là sự khởi đầu tốt cho sự hợp tác của Nhật bản với khu vực đồng bằng song Cửu Long, trong đó có hợp tác về nông nghiệp và xuất nhập khẩu.
Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt nam và Nhật bản, nhiều ký ức đẹp trong nhiệm kỳ công tác tại Nhật bản lại ùa về, biết bao nhiêu điều muốn chia sẻ.
Mong bước vào 50 năm tới, quan hệ hai nước sang một chương mới với sự phát triển còn mạnh mẽ hơn nữa, góp phần vào sự nghiệp phát triển ở từng nước cũng như đóng góp vào hòa bình, phồn inh ở châu Á và trên thế giới.
Cám ơn Đại sứ về những chia sẻ.