Đề xuất nâng cấp sân bay ở 3 khu vực tiềm năng tăng hành khách đột biến
Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) có tiềm năng tăng trưởng đột biến về hành khách |
Cục Hàng không vừa báo cáo Bộ GTVT việc rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc. Theo đó, Cục đang phối hợp với cơ quan tư vấn lập quy hoạch - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Thời kỳ 2021-2030, giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không đưa ra dự báo 3 khu vực có tiềm năng phát triển lớn hiện nay và tương lai là khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam và khu vực Khánh Hòa.
Các phương pháp khoa học được tiến hành để thu thập số liệu dự báo. Ngoài ra, ngành hàng không còn phải sử dụng thêm phương pháp chuyên gia để đánh giá tiềm năng phát triển của các khu vực tiềm năng này.
Cục Hàng không gửi Bộ GTVT báo cáo cụ thể các nội dung nghiên cứu tiếp thu sửa đổi trong dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch. Theo đó, thời kỳ 2021-2030, cập nhật công suất quy hoạch dự kiến của một số cảng hàng không có khả năng tăng trưởng đột biến về nhu cầu vận tải như cảng hàng không Cát Bi (từ 8 triệu hành khách một năm lên 13 triệu hành khách một năm), cảng hàng không Chu Lai (từ 5 triệu lên 10 triệu).
Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, một số cảng hàng không có tiềm năng tăng mạnh về nhu cầu vận tải như cảng hàng không Vân Đồn (từ 12 triệu hành khách một năm lên 20 triệu hành khách một năm), cảng hàng không Chu Lai (từ 28 triệu lên 30 triệu).
Theo Cục Hàng không, phương án quy hoạch cảng hàng không Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 là 25 triệu hành khách một năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách một năm. Cảng hàng không Chu Lai giai đoạn đến năm 2030 là 10 triệu hành khách một năm, tầm nhìn đến năm 2030 là 30 triệu hành khách một năm.
Tùy theo nhu cầu vận tải và tình hình phát triển kinh tế xã hội, Bộ GTVT sẽ xem xét, điều tiết, phân bổ các chuyến bay (slot) giữa 2 cảng hàng không này, bảo đảm khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng theo quy hoạch, đồng thời tạo động lực hấp dẫn đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai.
Với sân bay Cam Ranh, Cục Hàng không cho biết phối hợp với tư vấn lập Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Cam Ranh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiên cứu phương án phát triển bổ sung đường băng số 3.
Liên quan đến việc nghiên cứu chuyển một số sân bay quân sự thành sân bay lưỡng dụng, Cục Hàng không thống nhất kiến nghị cập nhật nội dung Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030 nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch, xây dựng cảng hàng không tại một số sân bay quân sự (Thành Sơn, Biên Hòa...) trong trường hợp đủ điều kiện.
Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030 là ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (cảng hàng không Nội Bài) và vùng TP.HCM (cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Long Thành).
Quy hoạch cũng nêu rõ “nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28”.
Khi đó, tổng công suất thiết kế hệ thống 28 cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách. Trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.
Về tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam cần hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM.