Ảnh minh họa. |
Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm gần 700.000 người hưởng, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Tương ứng số người hưởng thì số tiền chỉ trả cũng tăng. Cụ thể, nếu năm 2016 là 10.488 tỷ đồng thì đến năm 2021 là 35.350 tỷ đồng.
Đồng thời, tổng số người tham gia BHXH tăng mới là hơn 4,2 triệu người, trong đó số người hưởng BHXH một lần là trên 4,05 triệu người (tương đương tỷ lệ 1,048 người tham gia mới, thì có 1 người rời khỏi hệ thống BHXH).
Đáng chú ý, số lượng người lao động hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khu vực ngoài Nhà nước, với gần 2,9 triệu người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần.
Về nguyên nhân dẫn đến hưởng BHXH một lần, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu như đa số người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều. Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 40, chiếm 77,5% số lượt người hưởng. Hầu hết lao động trẻ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là huởng lương hưu khi về già.
Ngoài ra, do tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn 2020-2021 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi địch bệnh Covid -19. Theo đó, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc, mất việc làm gia tăng, số lao động mất việc làm không có cơ hội tái tham gia thị trường lao động.
Tiếp đến là thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nếu thực hiện tốt chính sách này cũng sẽ giải quyết được một phần bài toán về tài chính ngắn hạn để người lao động có thể yên tâm ổn định cuộc sống.
Niềm tin của người dân vào hệ thống BHXH có đấu hiệu giảm sút cũng là một trong những nguyên dân dẫn đến việc rút bảo hiển xã hội 1 lần.
Cuối cùng là quy định về điều kiện thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu dẫn đến đa số người lao động khi nghỉ việc mới có từ 3 đến dưới 10 năm đóng sẽ rất khó chờ đóng tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, ngoài đề xuất giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 để được hưởng lương hưu, thiết kế thêm tầng hưu trí, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất thêm phương án hạn chế rút BHXH một lần, chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và bảo lưu phần còn lại cho đến khi lao động tới tuổi nghỉ hưu.
Nếu lao động quay trở lại hệ thống, chọn đóng tiếp thì cộng nối thời gian cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Nếu chưa đủ thời gian tham gia thì có thể chọn đóng một lần cho số năm còn thiếu, hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc hưởng BHXH một lần.