Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu Brent giao tháng 3/2023 giảm 2,06USD/thùng tương đương 2,3% xuống 86,13USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao hợp đồng tương lai hạ 1,49USD/thùng tương đương 1,8% xuống 80,13USD/thùng.
Hoạt động kinh tế tại Mỹ tháng 1/2022 giảm đến tháng thứ 7 liên tiếp, quá trình suy giảm này diễn ra trong khắp lĩnh vực sản xuất và dịch vụ lần đầu tiên tính từ tháng 9/2022 và niềm tin kinh doanh mạnh lên khi mà năm mới bắt đầu.
Kinh tế Mỹ có thể sẽ vẫn khó khăn, một số chuyên gia năng lượng hiện vẫn đang hoài nghi về việc nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ hồi phục trong quý này, chuyên gia phân tích tại quỹ OANDA – ông Edward Moya phân tích.
Hoạt động kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu hồi phục mạnh trở lại trong tháng 1/2023, theo kết quả khảo sát của S&P Global. Tuy nhiên hoạt động kinh tế tư nhân của Anh sụt giảm mạnh nhất trong 2 năm.
Nền kinh tế của 6 nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được dự báo sẽ tăng trưởng chỉ bằng nửa tốc độ của năm 2022 khi mà doanh thu dầu sụt giảm nghiêm trọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh, theo kết quả khảo sát được Reuters thực hiện.
Dự trữ dầu thô Mỹ tăng trưởng khoảng 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 20/1/2022, theo các nguồn tin thị trường viện dẫn số liệu của Viện Xăng dầu Mỹ (API) vào ngày thứ Ba, con số này cao gấp 3 lần con số 1 triệu thùng theo kết quả khảo sát của Reuters.
Trong khi đó, nhóm chuyên gia thuộc OPEC+ dự kiến sẽ có những điều chỉnh về chính sách sản lượng khi có cuộc họp vào tuần sau, theo 5 nguồn tin từ OPEC+ vào ngày thứ Ba khi mà những hy vọng về khả năng nhu cầu từ Trung Quốc hồi phục đẩy giá dầu tăng lên cân bằng với những nỗi sợ về lạm phát và sự chững lại của kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng JP Morgan đã nâng dự báo nhu cầu dầu tại Trung Quốc tuy nhiên duy trì dự báo giá dầu Brent năm 2023 ở ngưỡng 90USD/thùng.
“Thiếu đi những yếu tố về địa chính trị, sẽ khó để giá dầu có thể vượt ngưỡng 100USD/thùng trong năm 2023, bởi nguồn cung sẽ nhiều hơn nhu cầu trong năm nay”, các chuyên gia phân tích nhấn mạnh.
Giá dầu thô trên thị trường vật chất khởi đầu năm nay với việc phía Trung Quốc tăng mua sau khi các biện pháp kiểm soát đại dịch được gỡ bỏ đi, ngoài ra giới đầu tư cũng lo ngại về khả năng các biện pháp trừng phạt áp dụng với Nga sẽ gây tổn hại đến nguồn cung.
Tính ở thời điểm cuối năm 2022, 90% trong tổng số khoảng 600 giàn khoan dầu dành cho thuê tại các dự án ngoài khơi đang vận hành hoặc đang trong hợp đồng thuê vận hành, số liệu của công ty nghiên cứu Westwood Global Energy Group cho hay. Tỷ lệ này cao đáng kể so với con số 63% của 5 năm trước đó.
Những bên hưởng lợi từ hoạt động khai thác dầu ngoài khơi là những doanh nghiệp kiểu như Transocean Ltd, Valaris và Noble Corp hiện đang sở hữu và vận hành các giàn khoan đó, đặc biệt doanh nghiệp sở hữu tàu khai thác dầu kiểu như Titan vốn được biết đến với khả năng có thể vận hành tốt tại các khu vực nước sâu. Những nhà thầu này hiện đang tính tiền thuê với các doanh nghiệp dầu cần thuê ước tính khoảng hơn 400.000USD/ngày, cao hơn đáng kể so với con số 300.000 vào đầu năm ngoái và chưa đến 200.000USD/ngày của thời điểm cách đây 2 năm. Các chuyên gia phân tích dự báo chi phí thuê ước tính sẽ vượt 500.000USD/ngày vào năm sau.
“Trong vòng khoảng 1 năm rưỡi vừa qua, các doanh nghiệp năng lượng trên thế giới đổ xô khai thác dầu ngoài khơi, và họ muốn sử dụng những tàu khai thác hiệu quả nhất. Chính vì vậy, không thể tránh khỏi tình trạng quá tải”, giám đốc điều hành công ty Noble – ông Robert Eifler phân tích. Cũng theo ông Eifler, sau 8 năm, về cơ bản chúng tôi đã tận dụng hết các tàu khai thác dầu công suất lớn.
Phần lớn các dự án khai thác dầu ngoài khơi hiện đang tập trung ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Khu vực bờ biển bên ngoài Brazil, Gyana và Suriname đông chật những tàu khai thác dầu bởi doanh nghiệp dầu nhà nước Brazil đang vận động tích cực mở rộng hoạt động quy mô này cũng như bởi những năm gần đây người ta liên tục tìm thấy dầu ở các khu vực hải phận lân cận.
Saudi Arabia và UAE hiện đang phụ thuộc vào hoạt động khai thác dầu ngoài khơi để tăng được quy mô sản xuất dầu thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027, nâng tổng mức khai thác lên 13 triệu và 5,5 triệu thùng. Ước tính khoảng 80% năng lực khai thác mới của Saudi Arabia sẽ đến từ các dự án khai thác dầu ngoài khơi, theo công ty nghiên cứu Evercore.