Hoạt động khai thác dầu ngoài khơi đang phát triển bùng nổ như thế nào?
Con tàu Deepwater Titan trị giá 1,2 tỷ USD nằm im lìm tại khu vực trú tàu của Singapore trong vòng 5 năm, nó nhìn như một con tàu bị bỏ hoang, không ai nghĩ đó lại là tàu khai thác dầu nổi tiếng thế giới. Thế nhưng rồi không lâu nữa, con tàu có diện tích bằng gần 3 sân bóng đá này sẽ được triển khai đến các khu vực nước sâu của vịnh Mexico, nơi mà con tàu sẽ tiến hành khoan đến 8 dặm dưới thềm biển để kiếm dầu cho tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới Chevron.
Cuộc tìm kiếm dầu ngoài khơi lại tiếp tục được triển khai, nguyên nhân chính do nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng cao, nguồn cung chịu nhiều gián đoạn do căng thẳng Nga - Ukraine và giá dầu thô hiện đang ở trên ngưỡng trước đại dịch COVID-19. Nhiều tàu khoan dầu quy mô khủng như Titan từng bất động ở thời điểm cuối của thập kỷ trước giờ đây đang hoạt động ở những khu vực nước sâu của Brazil, còn các tàu khác có năng lực khai thác kém hơn giờ đang khai thác tại những khu vực nước nông ở Trung Đông.
Tính ở thời điểm cuối năm 2022, 90% trong tổng số khoảng 600 giàn khoan dầu dành cho thuê tại các dự án ngoài khơi đang vận hành hoặc đang trong hợp đồng thuê vận hành, số liệu của công ty nghiên cứu Westwood Global Energy Group cho hay. Tỷ lệ này cao đáng kể so với con số 63% của 5 năm trước đó.
Những bên hưởng lợi từ hoạt động khai thác dầu ngoài khơi là những doanh nghiệp kiểu như Transocean Ltd, Valaris và Noble Corp hiện đang sở hữu và vận hành các giàn khoan đó, đặc biệt doanh nghiệp sở hữu tàu khai thác dầu kiểu như Titan vốn được biết đến với khả năng có thể vận hành tốt tại các khu vực nước sâu. Những nhà thầu này hiện đang tính tiền thuê với các doanh nghiệp dầu cần thuê ước tính khoảng hơn 400.000USD/ngày, cao hơn đáng kể so với con số 300.000 vào đầu năm ngoái và chưa đến 200.000USD/ngày của thời điểm cách đây 2 năm. Các chuyên gia phân tích dự báo chi phí thuê ước tính sẽ vượt 500.000USD/ngày vào năm sau.
“Trong vòng khoảng 1 năm rưỡi vừa qua, các doanh nghiệp năng lượng trên thế giới đổ xô khai thác dầu ngoài khơi, và họ muốn sử dụng những tàu khai thác hiệu quả nhất. Chính vì vậy, không thể tránh khỏi tình trạng quá tải”, giám đốc điều hành công ty Noble – ông Robert Eifler phân tích. Cũng theo ông Eifler, sau 8 năm, về cơ bản chúng tôi đã tận dụng hết các tàu khai thác dầu công suất lớn.
Phần lớn các dự án khai thác dầu ngoài khơi hiện đang tập trung ở khu vực Nam Mỹ và Trung Đông. Khu vực bờ biển bên ngoài Brazil, Gyana và Suriname đông chật những tàu khai thác dầu bởi doanh nghiệp dầu nhà nước Brazil đang vận động tích cực mở rộng hoạt động quy mô này cũng như bởi những năm gần đây người ta liên tục tìm thấy dầu ở các khu vực hải phận lân cận.
Saudi Arabia và UAE hiện đang phụ thuộc vào hoạt động khai thác dầu ngoài khơi để tăng được quy mô sản xuất dầu thêm 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027, nâng tổng mức khai thác lên 13 triệu và 5,5 triệu thùng. Ước tính khoảng 80% năng lực khai thác mới của Saudi Arabia sẽ đến từ các dự án khai thác dầu ngoài khơi, theo công ty nghiên cứu Evercore.
Các nhà thầu lớn trong lĩnh vực khai thác dầu cho biết họ đã học được bài học của thời kỳ bùng nổ quá mức trong quá khứ khi mà sự suy giảm của ngành khai thác năng lượng năm 2014 đã buộc nhiều doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản, chính vì vậy lần này họ sẽ không mở rộng năng lực khai thác quá mạnh tay.
Họ đang phải đương đầu với nhiều rủi ro. Các dự án khai thác dầu ngoài khơi thường có chi phí cao hơn rất nhiều so với khai thác dầu trên đất liền, chính vì vậy thường sẽ mất nhiều thời gian hơn để bù đắp lại những chi phí này. Nhu cầu dầu có thể giảm trong những năm tới nếu sự dịch chuyển của thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch tăng cường và thêm nhiều nước đưa ra các biện pháp giảm khí thải.
Đồng thời, họ cũng đương đầu với sự phản đối từ các nhóm hoạt động vì môi trường vốn lo ngại về tác động của việc khai thác dầu lên thời tiết cũng như rủi ro từ các thảm họa thiên nhiên bất thường. Vụ nổ vào năm 2010 tại khu vực giếng Deepwater Horizon ở vịnh Mexico đã gây ra một trong những sự cố tràn dầu tệ hại nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Việc hoạt động khai thác dầu ngoài khơi phát triển bùng nổ có thể có lợi cho những nước ví như Guyana. Những nước giàu có trên thế giới có thể sẽ bơm hàng tỷ USD đầu tư vào đất nước này trong những thập kỷ tới. Ở thời điểm năm 2035, Guyana có thể sản xuất ước tính khoảng 1,7 triệu thùng dầu/ngày và như vậy trở thành nước sản xuất dầu khai thác ngoài khơi lớn thứ 4 thế giới, chỉ sau Mỹ, Mexico và Nauy, theo tổ chức nghiên cứu năng lượng Rystad Energy.
Hoạt động khai thác dầu ngoài khơi có lịch sử từ năm 1897, gần 4 thập kỷ sau khi giếng dầu đầu tiên được xử lý tại Pennsylvania. Ban đầu, nó được khởi động với chuỗi nhiều giếng dầu ngoài khơi California với độ sâu 35 feet và sau đó mất đến nửa thế kỷ để có thể mở thêm được giếng dầu ở vị trí khoảng 10 dặm bên ngoài bờ biển Louisiana vào năm 1947.