Sự trái chiều này cho thấy rằng kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục mất đi động lực còn kinh tế châu Âu tạm thời vẫn đang bình ổn, ít nhất ở thời điểm hiện tại. Tốc độ suy giảm của kinh tế Mỹ chững lại trong tháng 1/2022, theo kết quả các cuộc khảo sát kinh doanh được công bố vào ngày thứ Ba, như vậy đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có thể đang lập đáy và có thể sẽ sớm hồi phục trở lại khi mà lạm phát chững lại cũng như nhu cầu vững vàng.
Kết hợp những thông tin trên, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy kinh tế toàn cầu nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt trong năm nay tuy nhiên sẽ vẫn tránh được suy thoái kinh tế. Rủi ro thiếu năng lượng tại châu Âu giảm đi, kinh vế Mỹ vẫn tăng trưởng chậm và quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc thời kỳ hậu đại dịch có thể bù đắp cho hiệu ứng từ việc giá cả tăng cao cũng như lãi suất cao và giúp ngăn kinh tế thế giới khỏi sự suy giảm.
Tại Mỹ, kinh tế vẫn tăng trưởng vào cuối năm ngoái bất chấp chuỗi đợt nâng lãi suất của Fed vốn được tính toán để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát. Lãi suất cao hơn gây sức ép lên nhiều lĩnh vực và có thể khiến cho các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu.
Doanh số bán nhà trong năm 2022 giảm 18% so với năm trước đó. Doanh số bán lẻ tháng 12/2022 giảm 1,1% còn thị trường lao động dù rằng vẫn tăng trưởng tốt cũng đang bắt đầu xuất hiện những yếu tố “đứt gãy”. Lạm phát sau khi chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ vào năm ngoái hiện đang hạ nhiệt. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2022 tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm đáng kể so với mức đỉnh 9,1% của tháng 6/2022.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu GDP quý 4/2022 vào ngày thứ Năm.
Cho tới gần đây, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều dự báo kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ suy thoái trong năm nay sau khi chi phí năng lượng tăng vọt do căng thẳng Nga – Ukraine.
Tuy nhiên sự kết hợp của yếu tố mùa đông ấm áp, các nỗ lực tiết kiệm nhiên liệu, các chính phủ cố gắng tìm kiếm nguồn khí đốt thay thế và chi ra hàng trăm tỷ euro hỗ trợ tài khóa đã giúp vực dậy các nền kinh tế thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Vào ngày thứ Ba, S&P Global công bố chỉ số sản xuất tại Mỹ, chỉ số theo dõi các hoạt động kinh doanh, trong tháng 1/2023 ở mức khoảng 46,6 điểm, tốc độ chững lại chậm hơn so với con số 45 điểm. Tại châu Âu, chỉ số tương đương tăng lên mức 50,2 điểm từ mức 49,3 điểm. Ngưỡng trên 50 cho tháy sự tăng trưởng còn ngưỡng dưới 50 cho thấy sự suy giảm.
“Việc kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu ở thời điểm đầu của năm cho thấy thêm bằng chứng về việc kinh tế khu vực sẽ có thể tránh được suy thoái kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence – ông Chris Williamson phân tích.
Kinh tế Mỹ, trong khi đó, đã khởi đầu năm 2023 đầy thất vọng, ông Williamson nhấn mạnh. Dù rằng kinh tế Mỹ có phần hạ nhiệt so với tháng 12/2022, tốc độ suy giảm hiện vẫn mạnh nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khác biệt về định hướng chính sách tiền tệ có thể lý giải cho phần nào những diễn biến trái chiều này, đồng thời nó cũng cho thấy trong thời gian tới châu Âu sẽ có thể đương đầu với thêm nhiều thách thức, theo chuyên gia kinh tế trưởng tại Capital Economics – bà Jennifer McKeown.
Trong khi Fed đã nâng lãi suất hơn 4 điểm phần trăm tính từ tháng 3/2022 lên ngưỡng từ 4,25% lên 4,5%, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hành động ở mức độ chậm hơn, lãi suất chính sách mới chỉ được điều chỉnh tăng 2,5 điểm phần trăm bắt đầu từ tháng 7/2022.
Lãi suất tại châu Âu nhiều khả năng sẽ vẫn tăng cao hơn còn lãi suất ở Mỹ hiện đang ở gần cuối chu kỳ tăng, bà viết trong nghiên cứu gửi khách hàng vào ngày thứ Ba.