Giá lúa gạo tăng sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo
Chợ gạo Bà Đắc lúa hoạt động bình thường. Ảnh minh họa |
Chợ gạo Bà Đắc (xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là chợ bán sỉ gạo sớm nhất, duy nhất ở vựa lúa miền Tây, và gần như toàn bộ lượng gạo tiêu thụ nội địa đều thông qua chợ này.
Dưới sông ghe gạo của thương lái ở các tỉnh miền Tây đổ về đây tấp nập, trên bờ thì mỗi ngày trung bình có từ 200-300 xe tải từ các tỉnh về đây lấy hàng, những ngày vào vụ Đông Xuân có thể lên gấp đôi, một xe trung bình chở từ 10-15 tấn, như vậy, mỗi tháng chợ này cung ứng cho thị trường không dưới 135.000 tấn gạo.
Cộng chung với những đợt cao điểm thì mỗi năm sẽ có không dưới 2 triệu tấn gạo được giao dịch ở đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây chợ gạo này trở nên vắng lặng đìu hiu.
Theo ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Việt Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) mặc dù giá gạo đang lên cao nhưng mấy ngày nay ghe gạo các tỉnh về chợ đầu mối gạo Bà Đắc rất ít, do doanh nghiệp tại các vùng thu hoạch lúa đã ký hợp đồng mua lúa hết rồi nên gạo không về chợ, và bây giờ cũng đã cuối vụ Hè Thu nên lúa không còn nhiều mà vụ Thu Đông thì chưa tới, khiến giao dịch mua bán gạo ở đây không còn nhộn nhịp như đang vào vụ.
Ổn định thị trường gạo nội địa – không khó
Ông Đôn cho biết thêm, hôm nay (24/9) giá lúa tươi chất lượng cao như giống OM18 đang có giá từ 6.700 đến 6.800 đồng/kg, còn giá gạo lứt OM18 vào khoảng 9.200 đồng/kg. Giá gạo 5% tấm hôm nay cũng lên 10.200 đồng/kg, tính ra giá gạo xuất khẩu vào khoảng 470 USD/tấn.
Giá lúa gạo trong nước tăng là do tác động từ việc Ấn Độ áp 20% thuế xuất khẩu gạo trắng các loại và cấm xuất khẩu gạo tấm, đã đẩy giá lúa gạo không chỉ của Việt Nam mà các nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan và Ấn Độ đều tăng.
Tuy giá gạo Việt Nam đã tăng nhưng vẫn ở mức trung bình thấp so với mức xuất khẩu gạo trước đây. Vào năm 2019, 2020, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã là 520 - 530 USD/tấn so với giá gạo hiện nay vẫn còn rẻ hơn khoảng 60 USD/tấn.
Do lo ngại giá lúa gạo trong nước sẽ tăng lên vượt mức, nên mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành liên quan theo dõi bám sát tình hình để thực hiện nhiệm vụ kép “vừa ổn định thị trường vừa đảm bảo lợi ích cho người nông dân”.
Theo ông Đôn, về ổn định thị trường gạo nội địa thì không có vấn đề gì, vì Nghị định 107 có quy định “kho doanh nghiệp phải đảm bảo 5% lưu thông phân phối”.
Ví dụ trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp đã xuất khẩu được 30.000 tấn gạo, thì trong kho của doanh nghiệp phải có chân hàng tương đương 5% lượng gạo đã xuất khẩu, tức là trong kho doanh nghiệp luôn có sẵn 1.500 tấn gạo, chân hàng này để phòng khi thị trường có biến động chính phủ sẽ sử dụng gạo của doanh nghiệp để bình ổn thị trường.
Doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế của họ thì quy định phải có 5% chân hàng trong kho cũng không khó khăn gì. Riêng về việc đảm bảo lợi ích cho người nông dân thì nghe có vẻ mơ hồ, vì hiện nay giá vật tư phân bón thuốc trừ sâu … mọi thứ đầu vào để trồng lúa và đầu ra của hạt lúa vẫn tùy thuộc vào doanh nghiệp.
Khó đảm bảo lợi ích cho người nông dân
Mặc dù giá lúa đang tăng nhưng vụ Hè Thu đã xong nếu nói đảm bảo lợi ích cho người nông dân thì chỉ có thể là vụ lúa tới. Tuy nhiên, do thời gian qua giá phân bón vật tư nông nghiệp đầu vào sản xuất lúa tăng rất cao, thu nhập của người trồng lúa rất bấp bênh nên có nhiều người bỏ không sản xuất vụ Thu Đông.
“Để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, trước tiên nhà nước phải có chính sách hoặc giải pháp kềm chế giá vật tư đầu vào, và phải có giải pháp về giá lúa như thế nào để đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Bây giờ giá vật tư đầu vào chưa ổn định được thì không thể xử lý được đầu ra, nên khó thực hiện được nhiệm vụ kép là "vừa đảm bảo ổn định thị trường vừa đảm bảo lợi ích của người nông dân”, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng nói.
Theo quy luật cung cầu, cứ vào vụ thu hoạch rộ lượng lúa gạo hàng hóa trên thị trường nhiều cung vượt cầu giá sẽ sụt, qua vụ thu hoạch lượng lúa hàng hóa không còn nhiều giá lúa lại tăng lên, vì vậy, rất khó đảm bảo ổn định thu nhập cho nông dân.
“Chỉ có thể đảm bảo lợi ích cho nông dân khi nào họ tham gia cánh đồng lớn, giá thu mua được thỏa thuận ngay từ đầu vụ giữa nông dân và doanh nghiệp nên không biến động theo giá thị trường bên ngoài, có như vậy mới có thể đảm bảo lợi ích cho nông dân”, ông Đôn nhận định.