Giải bài toán cạnh tranh khi Trung Quốc mở cửa biên giới
Thị trường nội địa với 100 triệu dân còn nhiều tiềm năng để phát triển. Ảnh: Trần Việt |
Chinh phục sân nhà
Ông Bùi Văn Tiến - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Việt Tiến - dự báo trong năm 2023 tình hình thị trường xuất khẩu và đơn hàng sẽ không cải thiện nhiều. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã chủ động, song hành đẩy mạnh cả hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường nội địa.
Với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm các giải pháp để đủ nguồn hàng sản xuất cho các đơn vị thành viên trong toàn hệ thống, xây dựng kế hoạch, tập trung sản xuất cho những đơn hàng đã được ký kết, mở rộng thị trường...
Đối với thị trường nội địa, đến nay Việt Tiến đã mở rộng và có trên 1.000 cửa hàng, đại lý trên khắp các tỉnh, thành phố.
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân - cũng chia sẻ, dù sản phẩm trứng của Ba Huân đã xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia nhưng doanh nghiệp vẫn xác định nội địa là thị trường chủ lực.
Nhiều doanh nghiệp nhận định, việc quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là một hướng đi mới, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu khi thị trường gặp khó khăn do tình hình lạm phát toàn cầu gia tăng.
Tuy nhiên, khó khăn nhất khi quay lại thị trường nội địa là các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ. Doanh nghiệp buộc phải tìm hiểu kỹ nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời lựa chọn cho mình một phân khúc phù hợp để có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước.
Chủ động nắm bắt thông tin thị trường
Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5,679,9 triệu tỉ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tỉ lệ này tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).
Năm 2022 thị trường nội địa được đánh giá có sự hồi phục mạnh mẽ khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp quay trở lại thị trường nội địa, trước đó Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc thực hiện “Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chiều sâu, giúp mặt hàng Việt Nam thắng trên sân nhà khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, hàng nước ngoài tràn vào thị trường nội địa khi thuế đã giảm.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ứng dụng thương mại điện tử để phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên các doanh nghiệp tham gia chương trình ngày mua sắm trực tuyến, gian hàng Việt trực tuyến quốc gia, cuối năm cũng là dịp tốt để kích cầu tiêu dùng, bởi đây là giai đoạn có thể đóng góp 30 - 40% doanh số cả năm.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - nêu định hướng, giải pháp đầu tiên của doanh nghiệp là phải thay đổi kết cấu thị trường. Cộng đồng doanh nghiệp và Vitas đang nỗ lực khuyến cáo các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Với quy mô 100 triệu dân, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, thị trường nội địa Việt Nam đang được đánh giá là “miếng bánh” hấp dẫn để các doanh nghiệp tận dụng khai thác, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, biến động.
Theo nguồn: laodong.vn