Hà Nội: còn 293 dự án chậm triển khai cần xử lý trong năm 2023
Hà Nội còn 293 dự án chậm triển khai cần xử lý trong năm 2023. |
Thực trạng về các dự án “treo”, chậm triển khai là vấn đề gây nhức nhối dư luận của rất nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chiếm số lượng nhiều hơn cả là các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, được tổ chức mới đây, UBND TP đã báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn.
Theo đó, 712 là con số được nhắc đến liên quan đến các dự án sử dụng đất chậm triển khai, tổng diện tích đất đã được cấp hơn 5.000ha, mà suốt hàng chục năm qua chính quyền TP không thu được bất cứ đồng nào bổ sung vào ngân sách để dành cho việc tái thiết, đầu tư mới phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay ở những quận trung tâm, hàng loạt dự án được ưu tiên nằm ở vị trí “đất vàng” cũng đang trở thành những khu đất, công trình hoang, như: Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (quận Nam Từ Liêm) nằm tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, với số vốn hơn 2.500 tỷ đồng, sát với tuyến đường Vành đai 3, triển khai từ năm 2014; đối diện là dự án Apex Tower (lô HH3, đường Phạm Hùng) diện tích 2.780m2, khởi công từ năm 2008 nhưng đến nay cũng chỉ hoàn thiện phần thô.
Trong tình trạng tương tự là tòa nhà Tokyo Tower tọa lạc tại số 48 Vạn Phúc (quận Hà Đông) diện tích đất gần 4.600m2, còn có tên gọi khác là chung cư Vinafor hay Hanoi Landmark 51 Tower.
Tại quận Hà Đông, dự án chung cư cao cấp Golden Millenium Tower, tọa lạc trên phố Trần Phú, với tổng vốn đầu tư trên 900 tỷ đồng, khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn thiện.
Cùng chung số phận là dự án Sky Garden Towers, ngõ 115 Định Công (quận Hoàng Mai), tổng diện tích 7.000m2 khởi công từ năm 2012, đến nay đang dừng lại ở 8 tầng nổi và 2 tầng hầm...
Ngoài ra còn hàng trăm dự án bị bỏ hoang tại các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì... những đơn vị hành chính cấp huyện, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa thực sự đồng bộ.
Hầu hết những dự án này có điểm chung chủ đầu tư đều là người có tầm nhìn dài hạn, đi trước đón đầu quy hoạch của Nhà nước đến hàng chục năm, xin đất làm dự án nhưng không chịu bỏ tiền làm hạ tầng bên ngoài, chờ Nhà nước đầu tư xong để giá lên cao rồi mới bắt tay vào đầu tư để bán hưởng lợi, dẫn đến tình trạng dự án chậm triển khai, gây lãng phí tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước.
Suốt thời gian qua chính quyền TP Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt. Theo đó, với số lượng 712 dự án ban đầu bao gồm cả dự án chưa có quyết định giao đất, đến nay chỉ còn 293 dự án cần xử lý (giảm 419 dự án, tương đương với 58,8%).
Cụ thể, lũy kế đến ngày 27/6 đã đưa 74/135 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất ra khỏi danh sách chậm triển khai; 11/135 dự án đang triển khai theo tiến độ được phê duyệt điều chỉnh; còn 50 dự án phải xử lý (giảm 85 dự án tương đương 62,9% so với số lượng 135 dự án ban đầu), UBND TP giao Sở KH&ĐT thực hiện giám sát, đánh giá, tiếp tục khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật đối với từng dự án.
Đối với 404 dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 169 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 85 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, đã xử lý theo quy định (UBND TP quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng); số dự án còn phải xử lý là 150 (giảm 254 dự án tương đương 62,8% so với số lượng 404 dự án ban đầu), đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý cụ thể theo quy định đối với từng dự án.
Đối với 173 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã đề xuất mới, tiếp tục kiến nghị xử lý: 32 dự án đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai; 48 dự án đã xử lý theo quy định; Còn phải xử lý 93 dự án (giảm 80 dự án tương đương 46,2% so với số lượng 173 dự án ban đầu).
Để xử lý 293 dự án còn lại, với số lượng công việc rất lớn, nhưng Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã phải quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xong trong năm 2023.