Hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý KCN, KKT là vấn đề bức thiết
Ra đời 5 năm sau thời điểm ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP vừa chính thức có hiệu lực hôm 15/7 được kỳ vọng sẽ giúp khắc phục nhiều điểm hạn chế mà Nghị định 82 cũ đã mắc phải.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, dù được đánh giá là mang tính đột phá, thiết thực, lược bỏ tương đối các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều điểm tiến bộ...; song hiện nay, việc thực hiện, triển khai Nghị định số 35/2022 vẫn có không ít điểm nghẽn cần được tháo gỡ để thực sự có thể tạo ra những đột phá.
Đặc biệt ở góc độ là đơn vị trực tiếp đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, nhiều doanh nghiệp tỏ ra rất băn khoăn, lo ngại việc hiện thực hóa Nghị định trên khi vẫn còn nhiều điểm chồng chéo, "vênh" với các quy định hiện hành liên quan...
Đây là kiến nghị được các chuyên gia, đại diện của nhiều doanh nghiệp, đưa ra tại Diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế" được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 26/8.
Đã gỡ được nhiều "nút thắt"
Theo thông tin được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra tại diễn đàn, Việt Nam hiện có 260 KCN, KKT đã đi vào hoạt động và 75 KCN đang trong quá trình xây dựng. Hệ thống KCN, KKT của Việt Nam đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trung bình những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT chiếm từ 35-40% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI vào KCN, KKT chiếm đến 70-80% tổng vốn đăng ký của cả nước.
Để các KCN, KKT đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp, từ tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về việc quản lý KCN, KKT.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai nghị định trên, do tiến trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế với toàn cầu, một số quy định về quy hoạch hạ tầng KCN, KKT đã bộc lộ nhiều bất cập.
Nhận thấy điều này, tháng 5/2022, Thủ tướng đã tiếp tục ký ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và KKT, giúp khắc phục những hạn chế mà Nghị định 82 đã mắc phải.
Đầu tiên là việc quy định rõ hơn các điều kiện, nguyên tắc xác định số lượng, quy mô diện tích, các trường hợp điều chỉnh khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định và điều chỉnh quy hoạch KCN, KKT trong quy hoạch vùng, tỉnh.
Kế đến, góp phần phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN gồm quy hoạch chung xây dựng KCN, quy hoạch phân khu xây dựng KCN và quy hoạch chi tiết xây dựng KCN.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh Tuấn Việt |
Đặc biệt, Nghị định 35 đã mở đường cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt…
Đồng thời, một điểm mới được xem là đột phá của Nghị định 35 là đối tượng công nhân, người lao động được quan tâm về nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích tại KCN.
Trong đó, để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án hạ tầng KCN phải có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động.
Thêm vào đó, một trong các điều kiện xem xét mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.
Tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI khẳng định: "Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 35 là việc làm thiết thực, phù hợp với tình hình khách quan, nhằm mục đích hoàn thiện và tạo đà cho tiến trình xây dựng một hành lang pháp lý, góp phần hình thành những KCN chuyên biệt, hiện đại, xanh, sạch và đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội”.
Bà Trần Tố Loan, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ nhìn nhận, về điểm tiến bộ so với Nghị định 82/2018/NĐ-CP, có 2 điểm chính tại Nghị định 35 sẽ tạo tác động tích cực trực tiếp tới các dự án KCN.
Đầu tiên là với hạng mục nhà ở công nhân, trong khi Nghị định 82 quy định người lao động không được ở lại trong KCN, chỉ có chuyên gia nước ngoài được ở lại với sự đồng ý của Ban Quản lý KCN. Tuy nhiên, đến Nghị định 35 thì vấn đề này đã được tháo gỡ. Theo đó, hiện các chủ đầu tư đã có thể xây dựng nhà ở công nhân ngay trong KCN.
Điểm thứ 2 là việc phân cấp, phân quyền trực tiếp cho các tỉnh, thành phố. Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân quyền để thẩm định và cấp phép các dự án có quy mô phù hợp.
Như vậy, Nghị định 35 đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền các cấp và cơ sở theo hướng tiếp cận cơ chế “một cửa, tại chỗ”. Cụ thể, Ban quản lý các KCN, KKT được giao nhiệm vụ, ủy quyền cụ thể trên từng loại hình, công việc gần như “một cửa” nhưng cụ thể hơn trước đây.
Toàn cảnh Diễn đàn "Triển khai Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế". Ảnh Tuấn Việt |
Song còn nhiều điểm làm "lúng túng" cơ quan quản lý - gây khó dễ nhà đầu tư
Theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, dù Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/7/2022, thế nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được tiếp cận một cách chính thức, đầy đủ thông tin về Nghị định này.
Thực trạng trên dễ dẫn tới việc có nơi, có chỗ triển khai tùy tiện, gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát. Đồng thời tạo nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai và thực hiện dự án.
Đơn cử, bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Sản xuất Thực phẩm Anh Kim cho biết, nhiều quy định tại Nghị định 35 còn khá mơ hồ, ví dụ như cơ chế “một cửa, một chỗ” - là quy trình thực hiện thủ tục vẫn chưa có khiến doanh nghiệp chưa thể thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập, Tổng giám đốc CTCP Xúc tiến và Hợp tác đầu tư Việt Nam (IPA Vietnam) ghi nhận nhiều điểm tiến bộ của Nghị định 35, nhưng riêng với lĩnh vực thu hút đầu tư thì theo ông còn một số nội dung cần phải bổ sung để rõ ràng hơn nữa cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho các KCN thu hút tốt khách thuê.
Cụ thể, Nghị định 35 còn thiếu các quy định cụ thể về xúc tiến đầu tư, trong khi về xúc tiến đầu tư nói chung đã có các cơ sở pháp lý như: quy chế xúc tiến đầu tư (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành), Luật Đầu tư, Danh mục kêu gọi thu hút đầu tư các tỉnh, thành phố.
Vì đa phần các dự án kêu gọi đầu tư đều sẽ vào các KCN, nên Nghị định số 35/2022/NĐ-CP cần bao hàm cả điều này để chủ đầu tư chủ động định hướng phát triển dự án cho đúng, chuẩn, sát nhu cầu.
Hay với các dự án KCN mới, ông Nam cho rằng, cần có quy định chi tiết hơn về hạ tầng giao thông, kết nối chuỗi cung ứng, tránh trường hợp dự án hình thành, đầu tư xong nhưng bán hàng không hiệu quả vì khả năng kết nối kém, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư.
Chung luồng quan điểm, theo Luật sư Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư FII Việt Nam, để được hưởng các chính sách ưu đãi, thì nhà đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao phải cam kết cụ thể các nội dung liên quan đến: ngành, nghề thu hút đầu tư; tỷ lệ diện tích đất công nghiệp cho các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề thu hút đầu tư trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, Nghị định 35 lại chưa quy định cụ thể thủ tục, trình tự thẩm định các nội dung liên quan tới vấn đề này, quy định như hiện tại mới chỉ dừng lại ở pháp luật về nội dung chứ chưa quy định về hình thức, ông Nghĩa phản ánh.
Ông Trần Anh Vương, nguyên Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. |
Lấy ví dụ cụ thể về một điểm còn "mơ hồ" trong Nghị định 35, ông Trần Anh Vương, nguyên Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng: "Ngay như việc quy hoạch trong một KCN bao nhiêu % được sử dụng xây dựng nhà máy, bao nhiêu % được sử dụng xây dựng kho tàng logistics bây giờ quan điểm vẫn chưa rõ ràng".
Theo ông Vương, nếu Nghị định không nêu bật lên được điều này, không có được thông tư hướng dẫn cụ thể thì sẽ tạo ra tình trạng mỗi tỉnh làm một kiểu, vô hình chung làm giảm đi sức hút đầu tư.
Cũng theo ông Vương, Nghị định 35 là một nghị định mà không hướng dẫn cụ thể cho một luật nào. Do đó, khi nghị định này được đưa ra để hướng dẫn cho các vấn đề liên quan đến KCN, KKT thì cũng lại liên quan tới rất nhiều văn bản luật khác nhau. Điều này sẽ tạo ra rất nhiều sự xung đột với các Luật hiện hành như Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản...
"Khi một Nghị định ra đời mà không để hướng dẫn luật gì mà chỉ để hướng dẫn một vấn đề thì trên thực tế tất cả các cơ quan quản lý từ bộ ngành cho tới địa phương khi động đến KCN sẽ sử dụng Nghị định này là chính", ông Vương nhấn mạnh.
PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng. |
Còn theo PGS.TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng, với người công nhân trong các KCN, họ không chỉ cần nhà ở mà cả các hạ tầng xã hội khác, như trạm xá, trường học, siêu thị...; là sự đồng bộ giữa hạ tầng KCN và hạ tầng xã hội mà Nghị định 35/2022 nhấn mạnh.
Theo ông Hải, đây là tiến bộ quan trọng, nhưng đây là vấn đề vĩ mô, cần có các quy định, hướng dẫn tiếp trong những văn bản vi mô về thế nào là những hạ tầng xã hội phải có.
Trước đây, Bộ Xây dựng không được giao quyền hạn, trách nhiệm về nhà ở trong các KCN, nhưng Nghị định số 35 mới đây đã có quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng, mang đến nhiều hơn sự vào cuộc của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Doanh nghiệp rất lo ngại về quy định xây dựng mô hình KCN – đô thị - dịch vụ
Tại diễn đàn, một điểm bất cập khiến nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại là về quy định xây dựng mô hình KCN – đô thị - dịch vụ tại Nghị định 35.
Trên thực tế, cả ba hạng mục KCN, đô thị và dịch vụ phải được coi là một thể thống nhất, không tách rời, có các chức năng liên quan đến nhau. Trong đó, KCN sẽ là hạng mục có chức năng chính. Hạng mục đô thị và dịch vụ chỉ có chức năng hỗ trợ, cung ứng các dịch vụ và tiện ích xã hội, tiện ích công cộng với quy mô tối đa không quá 1/3 diện tích KCN.
Tuy nhiên, khi triển khai hạng mục “đô thị” thì chủ đầu tư lại phải tuân thủ các luật chuyên ngành khác trong đó có cơ chế đấu giá, đấu thầu và một số cơ chế liên quan khác thì mới đủ điều kiện pháp lý của người sử dụng đất nhằm tiếp tục thực hiện dự án. Do đó, điều này không hợp lý và cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đại diện một số doanh nghiệp còn cho rằng, để hình thành “gói” mô hình 3 trong 1 này, cần phải xây dựng cơ chế riêng, độc lập với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để xây dựng nội dung điều chỉnh trực tiếp vấn đề quy hoạch, thủ tục hành chính.
Cụ thể là không áp dụng cơ chế đấu giá, đấu thầu khi triển khai: "đô thị trong KCN" - một hạng mục gắn liền mật thiết, không tách rời với mô hình KCN - đô thị - dịch vụ.