Hoạt động từ thiện phải tuân thủ quy định nào? Trục lợi tiền từ thiện có bị xử phạt không?
Lợi dụng tình hình bão lũ, xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo quyên góp ủng hộ, từ thiện |
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Những ngày qua, ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão đã gây ra thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản cho nhiều địa phương phía Bắc. Nhiều tổ chức, cá nhân đã kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ vượt qua khó khăn và nhanh chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cũng nhiều người lo lắng số tiền từ thiện không được thống kê cụ thể, không được trao cho đúng đối tượng.
Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Trong đó, nhiều trường hợp có nội dung chuyển khoản là của các tập thể với số tiền rất thấp, chỉ 1.000-2.000 đồng. Việc này cũng khiến dư luận xôn xao, nghi ngờ tiền từ thiện đã bị “ăn bớt”, chiếm dụng.
Vậy hoạt động từ thiện khi xảy ra thiên tai được pháp luật quy định như thế nào? Hành vi trục lợi từ các khoản từ thiện có bị xử phạt không?
Quy định của pháp luật về hoạt động từ thiện
Theo Điều 17 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, cá nhân kêu gọi từ thiện (vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện) phải đáp ứng các quy định sau:
Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Quy định về phân phối, sử dụng tiền từ thiện
Điều 18 Nghị định 93/2021/NĐ-CP nêu rõ, khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, cá nhân làm từ thiện phải tuân thủ các quy định sau:
Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) chậm nhất để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).
Chậm nhất trong 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.
Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.
Quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện
Quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện được quy định tại Điều 19 Nghị định 93/2021/NĐ-CP như sau:
Chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước.
Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Cá nhân có trách nhiệm: Mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có). Gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày.
Đồng thời thực hiện công khai trên phương tiện truyền thông các nội dung sau: văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện; kết quả vận động (tổng số tiền, hiện vật tiếp nhận), phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; đối tượng, chính sách và mức hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực tiếp tiếp nhận đóng góp tự nguyện công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.
Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Kêu gọi quyên góp từ thiện rồi chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích là hành vi bị nghiêm cấm
Liên quan đến hoạt động từ thiện, Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP nghiêm cấm các hành vi sau:
- Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện;
- Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật;
- Chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện;
- Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tổ chức, cá nhân có hành vi trục lợi từ các khoản từ thiện có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự
Về phạt hành chính, theo Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, hành vi sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng; tráo hàng cứu trợ có thể bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Ngoài ra, điểm c, khoản 1, Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định như sau: Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.
Như vậy, trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt có thể bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tổ chức, cá nhân sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến chung thân tùy theo mức độ vi phạm và số tiền chiếm đoạt) hoặc “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm tùy theo mức độ vi phạm và số tiền chiếm đoạt).
Làm từ thiện để làm gì? Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố hàng vạn trang sao kê tiền ủng hộ của đồng bào cả ... |
Giới hạn tiền ủng hộ và bài học từ thiện đầu đời Một trường học ở Hà Nội đã giới hạn số tiền học sinh quyên góp cho đồng bào bão lũ. Hành động “ngược đời” này ... |
Doanh nghiệp, người lao động Đà Nẵng hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3 Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng cử nhân lực và vận động thành công nhiều hàng hóa và tiền; người lao động ... |