Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Một kỳ họp ngắn nhưng chất lượng, hiệu quả
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tâm lực, trí lực giải quyết một khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Toàn cảnh phiên họp bế mạc |
HOÀN THÀNH MỘT KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC LỚN, QUAN TRỌNG
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2022, trong đó lưu ý, dự báo về những khó khăn thách thức phải đối mặt trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
"Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc xây dựng pháp luật, trong đó, đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, nhiều mặt và đã thống nhất với Chính phủ quyết định chưa xem xét, thông qua tại Kỳ họp này để có thêm thời gian hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu thiết thực cả trước mắt và lâu dài của ngành y tế, nhưng vẫn đảm bảo thời gian có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024 như dự kiến của Quốc hội và Chính phủ”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc kỳ họp |
Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Đây là chuyên đề giám sát được cử tri, Nhân dân cả nước và dư luận đặc biệt quan tâm, có quy mô và lực lượng huy động tham gia rất lớn, được tiến hành công phu, bài bản và thực sự là cuộc tổng rà soát khá toàn diện về thực trạng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi cả nước. Kết quả hoạt động giám sát bước đầu đã làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành; qua đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung rà soát tổng thể tình hình.
Quốc hội đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, xác định rõ nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời hạn hoàn thành cụ thể, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau.
"Nhờ sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng những nội dung của Kỳ họp nên mặc dù có những điều chỉnh nhất định về chương trình, bổ sung thêm nội dung nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao và thời gian được rút ngắn hơn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu Quốc hội dự phiên họp |
KỲ HỌP CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ
Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình) khẳng định, tại Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội rất tích cực, chủ động trong các phiên họp, đặc biệt là Quốc hội rút ngắn thời gian xuống còn 21 cho thấy sự vào cuộc chủ động, tích cực cũng như mong muốn một kỳ họp ngắn nhất nhưng chất lượng, hiệu quả. Trong các phiên thảo luận ở tổ cũng như thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội rất tích cực bấm nút đăng ký phát biểu nhưng do quy định về thời gian nên chưa được phát biểu.
“Điều này cho thấy sự chủ động, sự chuẩn bị chu đáo của các đại biểu Quốc hội khi tham gia các phiên họp, cũng như sự nỗ lực của Chính phủ và của Quốc hội trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nên Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đạt được chất lượng, hiệu quả, niềm tin của cử tri và Nhân dân ngày càng được tăng cường”, đại biểu Đặng Bích Ngọc đánh giá.
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM), đối với những luật mà chúng ta cảm thấy chưa chín muồi mà đưa ra thì chúng ta để lại kỳ sau làm tiếp cho nó đàng hoàng hơn chứ không phải cứ đưa ra là chắc chắn sẽ đậu. Đặc biệt, những phản ánh về thiếu xăng dầu, về thiếu thuốc, trang thiết bị các bệnh viện, Chính phủ cũng đã phản hồi một cách quyết liệt bằng những chỉ đạo quyết liệt.
“Đương nhiên chỉ đạo đó là đưa vào cuộc sống thì là một vấn đề khác bởi nó là cả một hệ thống bộ máy như vậy rồi, thế nhưng dẫu sao cũng làm cho đại biểu cảm thấy là hài lòng bởi vì ít ra ý kiến của mình phản ánh từ cử tri không bị rơi vào sự im lặng", đại biểu Lan nói.
Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép chưa thông qua dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cho thấy Quốc hội không quá vội vàng, không gấp rút thông qua một dự thảo luật chưa hoàn chỉnh.
"Việc thận trọng, khách quan, công tâm, vô tư, cân nhắc rất kỹ lưỡng, không chạy theo tiến độ cho thấy Quốc hội ngày càng trách nhiệm, ngày càng chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng xây dựng luật vì quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân lên hàng đầu, tránh tình trạng luật vừa ban phải sửa đổi”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhìn nhận.
Theo đại biểu Phan Đức Hiếu (tỉnh Thái Bình), vấn đề quan trọng đặt ra là làm sao thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đưa ra để đạt mục tiêu. Theo đó, khâu triển khai thực hiện là vấn đề quan trọng trong bối cảnh hiện nay.
“Trong số các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra, rõ ràng cải cách thể chế trong bối cảnh hiện nay rất quan trọng; bởi việc chậm trễ trong thực hiện các thủ tục sẽ làm mất chi phí về thời gian và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, việc thúc đẩy cải cách thể chế lần này, tôi muốn nhấn mạnh cần cải thiện hơn nữa quy trình, tốc độ giải quyết thủ tục hiệu quả hơn”, đại biểu Phan Đức Hiếu đề nghị.
Cũng theo vị đại biểu này, trong cải cách thể chế, cải cách không đơn thuần là vấn đề mặt thủ tục, thời gian mà chất lượng thể chế nhằm tạo sự an tâm, tạo môi trường thể chế ít rủi ro cho doanh nghiệp là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt. Môi trường thể chế nếu kém minh bạch, thiếu rõ ràng sẽ gây khó khăn rất lớn, thậm chí gây rủi ro cho hoạt động tuân thủ của doanh nghiệp.
“Nâng cao chất lượng quy định của luật pháp nhằm thực sự tạo ra môi trường an tâm, an toàn cho hoạt động kinh doanh cũng hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp trong năm tới là vấn đề rất cần được nhấn mạnh thêm trong quá trình thực hiện các giải pháp Chính phủ đề ra”, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu rõ.