Kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi người lao động năm 2023
Navigos Group cho biết, khảo sát này sẽ đưa ra góc nhìn tổng quan về mức lương của các ngành nghề trong năm 2022 cũng như những kỳ vọng của NLĐ về mức lương, thưởng và phúc lợi trong năm 2023.
Được biết, thông tin trong báo cáo dựa trên phân tích phản hồi từ hơn 4.170 ứng viên tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, số liệu thể hiện mức lương cho một vị trí làm việc cũng được tham khảo từ nhà tuyển dụng là khách hàng của Navigos Group. Các số liệu được hiển thị trong cuộc khảo sát này là lương cơ bản, không bao gồm tiền thưởng hoặc các phúc lợi khác.
Hơn một nửa số lượng NLĐ tham gia khảo sát đến từ các công ty có quy mô vừa và nhỏ. Cụ thể, công ty nhỏ với quy mô "dưới 100 nhân sự” là lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ 29,38%. Theo sau là các công ty có quy mô nhân sự "từ 100 đến dưới 500" với tỷ lệ 27,45%. Đứng thứ 3 và 4 trong danh sách lần lượt là các công ty có quy mô "từ 3.000 trở lên" chiếm 16,37% và "từ 500 đến dưới 1.000" chiếm 13,74%. Cuối cùng, quy mô công ty có "từ 1.000 đến dưới 3.000" nhân sự chiếm với 13,06%.
Chế độ lương thưởng và phúc lợi của người lao động năm 2022
Nguồn: Khảo sát lương năm 2023 của Navigos Group |
Theo số liệu thu thập được, chế độ phúc lợi, tiền lương của người tham gia khảo sát hầu hết bao gồm "Lương cơ bản" và "Bảo hiểm y tế cá nhân" với mức độ bình chọn lần lượt là 18,11% và 13,58%. Đây được xem là 2 chế độ phúc lợi căn bản nhất mà doanh nghiệp hiện nay đã và đang áp dụng.
Các hạng mục phúc lợi, tiền thưởng khác cũng phổ biến theo kết quả khảo sát, điển hình như "Phụ cấp ăn uống" với 8,5%, "Nghỉ phép 12 ngày” với 8,29%, "Thưởng năm" với 7,67%, "Trợ cấp điện thoại" với 7,05%, "Nghỉ phép trên 12 ngày" với 6,58%, “Bảo hiểm tai nạn 24/7” với 6,36%,... phụ thuộc vào tính chất công việc cũng như nhu cầu người lao động tại từng doanh nghiệp cụ thể.
Khi được hỏi về yếu tố gắn bó với công ty, "Môi trường làm việc" chính là sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ là 11,21%, theo sau là "Lương" với 10,55%, "Văn hóa doanh nghiệp" với 9,56%, "Sự ổn định của hoạt động kinh doanh" với 8,05%, "Cơ chế làm việc linh hoạt" với 7,27%,... Có thể thấy, người lao động ngày nay quan tâm rất nhiều đến những yếu tố về môi trường và văn hóa doanh nghiệp. Những yếu tố vật chất khác như lương, thưởng,... không đóng vai trò tiên quyết ảnh hưởng đến quyết định gắn bó của một nhân viên với công ty hiện tại.
Mức lương tăng "từ 5% đến dưới 10%" là sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ là 26,89%. Mức lương "không đổi" đứng thứ 2 với kết quả bình chọn khá sát sao là 23,29%. Theo sau là "ít hơn 5%" và “từ 10% đến dưới 15%" với bình chọn lần lượt là 15,3% và 11,66%. Lý giải cho điều này, trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên chưa thể áp dụng chính sách tăng lương hấp dẫn hơn cho nhân viên của mình.
Từ kết quả khảo sát, có thể thấy, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu áp dụng các chính sách tài chính như lương, thưởng, phụ - trợ cấp nhằm tạo động lực sản xuất kinh doanh cho đội ngũ nhân sự của mình. Bên cạnh đó, họ cũng bổ sung thêm nhiều chính sách về cơ chế làm việc linh hoạt, nhằm đáp ứng xu hướng mới của người lao động sau đại dịch Covid-19, bao gồm: cho phép làm việc từ xa, tăng ngày nghỉ, linh động làm việc tại nhà - công ty,... Ngoài ra, một số chính sách khác về đào tạo, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, ứng dụng công nghệ,... cũng được thực hiện tại doanh nghiệp nhưng tần suất xuất hiện trong kết quả khảo sát không nhiều.
Kỳ vọng lương, thưởng, phúc lợi người lao động năm 2023
Khảo sát về kỳ vọng của người lao động vào chính sách lương thưởng và phúc lợi của công ty hiện tại, có thể thấy, "Lương sẽ được tăng đều hàng năm từ 10% trở lên" chính là sự lựa chọn chiếm tỷ trọng cao nhất với 45,62%, chiếm gần một nửa số câu trả lời.
Về các khoản phụ - trợ cấp, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp có “Thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,5%. Họ cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,7%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%). Có thể thấy, những chính sách tác động lên thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của NLĐ.
Bên cạnh các kỳ vọng về lương, thưởng và phúc lợi, NLĐ cũng đặt thêm nhiều kỳ vọng khác vào doanh nghiệp. Điển hình như việc họ "Mong đợi sự an toàn từ doanh nghiệp, sự nghiệp vẫn ổn định khi có các yếu tố/ rủi ro bất ngờ xảy ra" và "Kỳ vọng văn hóa doanh nghiệp thay đổi, với môi trường cởi mở và thẳng thắn chia sẻ thông tin".
Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự an toàn và ổn định nghề nghiệp cũng là một trong những kỳ vọng của NLĐ dành cho các doanh nghiệp trong năm 2023. Các kỳ vọng trên dễ lý giải bởi xu hướng của NLĐ hiện nay đã có sự thay đổi. Hậu Covid-19, họ bắt đầu quan tâm hơn đến các yếu tố về tinh thần và kỳ vọng vào một sự nghiệp hạnh phúc.
Sự thay đổi về các chính sách khác của doanh nghiệp Hậu Covid-19, NLĐ đang có sự thay đổi về nhu cầu và kỳ vọng nhiều hơn về công việc. Đặc biệt là sự thay đổi về các chính sách khác của doanh nghiệp.
Nguồn: Khảo sát lương năm 2023 của Navigos Group |
Theo khảo sát, phần đông NLĐ có kỳ vọng cao về “Môi trường làm việc”, chiếm tỷ lệ 60,2%. NLĐ mong muốn doanh nghiệp có sự cải tiến và thay đổi về không gian làm việc. Đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng và phát triển công nghệ.
Bên cạnh đó, yếu tố về “Văn hóa doanh nghiệp” cũng được NLĐ quan tâm. Với tỷ lệ 28,9% trên tổng số lượt bình chọn, có thể thấy, NLĐ ngày nay kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi trong văn hóa doanh nghiệp. Họ mong đợi sự lắng nghe, quan tâm từ phía doanh nghiệp cũng như sự cải tiến và xây dựng văn hóa nội bộ rõ ràng, gần gũi hơn. Đồng thời, NLĐ cũng có sự kỳ vọng về Ban lãnh đạo doanh nghiệp - là những người có thể nhìn nhận, đánh giá và đào tạo nhân viên.
Về “Thời gian làm việc” (chiếm tỷ lệ 8,8%), NLĐ mong muốn giảm giờ làm việc hàng tuần để tái tạo sức lao động. Họ cũng mong muốn doanh nghiệp áp dụng chế độ làm việc linh hoạt để có sự chủ động trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Liên quan đến giờ làm việc trong tuần, phần đông NLĐ cũng kỳ vọng doanh nghiệp thay đổi và áp dụng chính sách “nghỉ làm ngày thứ bảy”.
Ngoài ra, các yếu tố khác như “Hình thức làm việc” (hybrid, làm ở nhà) với tỷ lệ 1% và “Yêu cầu công việc” và “Giảm khối lượng công việc” (tỷ lệ 1%) cũng là những yếu tố mà người lao động kỳ vọng. Với kết quả khảo sát trên, có thể thấy, sự phát triển về môi trường và văn hóa doanh nghiệp đang dần trở thành những yếu tố quan trọng mà NLĐ quan tâm. Có thể thấy, NLĐ ngày nay đang dần thay đổi theo xu thế làm việc mới - khi họ có thể cân bằng công việc - cuộc sống (work-life balance).