Logistics ở ĐBSCL phập phù gây khó xuất khẩu gạo, cuối cùng nông dân là người chịu thiệt
Hiện có 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL qua các cảng cửa ngõ TP.HCM và Cái Mép (Ảnh minh họa) |
Nút thắt logistics hạn chế sức cạnh tranh nông sản ĐBSCL
Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và khoảng 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước, và nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn/năm.
Song, do thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và hệ thống trung tâm logistics vệ tinh, bãi container rỗng, các cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn nên có tới 80% lượng hàng hóa của ĐBSCL phải đưa đến các cảng lớn ở TP.HCM, cảng Cái Mép Thị Vải, khiến chi phí vận tải tăng cao từ 10% - 40% tùy từng chuyến hàng, làm ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh nông sản nơi đây.
Trao đổi các vấn đề cước vận chuyển, logistics trong hoạt động xuất khẩu gạo tại hội thảo “Khơi thông dòng chảy hạt gạo Việt Nam” do Nhịp sống Doanh nghiệp – BizLIVE, Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức tại TP. Cần Thơ vừa qua, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tân Long group cho biết chi phí logistic trong nước đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó tổng giám đốc Tân Long group
Với gạo bán buôn và bán lẻ nội địa, chi phí vận chuyển từ các nhà máy tại ĐBSCL đến các tỉnh miền Đông, Tây nguyên, miền Trung và miền Bắc từ 300 đến hơn 600 đồng/kg, cao hơn cước vận tải từ Việt Nam đi Singapore, Philippines và Thái Lan.
Với gạo xuất khẩu, chi phí về logistic nội địa bao gồm vận chuyển, xếp hàng, nâng hạ container, dịch vụ cảng… hiện từ 300-400 đồng/kg, (tương đương 15 USD/tấn). Nếu cộng gộp tất cả chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng từ khu vực sản xuất đến khi giao hàng thì logistic chiếm đến khoảng 6% giá FOB của hàng xuất khẩu.
Cước phí vận chuyển và logistic của Việt Nam, đặc biệt là vận tải thuỷ rất cạnh tranh và thấp hơn Cambodia, Thái Lan (do Thái Lan không có hệ thống sông ngòi thuận lợi như ở ĐBSCL). Vận chuyển gạo bằng container mặc dù rất phổ biến nhưng chi phí vận chuyển từ ĐBSCL đi Đà Nẵng, Hải Phòng từ trước đến nay đều rất cao, khoảng 13-15 triệu đồng/container, bình quân 500-600 đồng/kg.
Doanh nghiệp thụ động với logistics
Tại hội thảo trên, Phó tổng giám đốc Tân Long cũng chia sẻ những vất vả về logistics, qua thực tiễn chuyến hàng đầu tiên tập đoàn này giao đi Hàn Quốc bằng tàu rời năm 2017.
"Là công ty thương mại khi tham gia vào một thương vụ quốc tế mà Chính phủ đối tác quá nghiêm ngặt và yêu cầu phải khai báo trước khi lên hàng, buộc chúng tôi thuê tàu vào cảng Mỹ Thới lấy hàng và tách bill ra 7.200 tấn. Khi lên được 6.200 tấn gạo thì thuyền trưởng thông báo nếu lên thêm 1.000 tấn nữa khi tàu ra luồng sẽ bị mắc cạn nên phải bỏ lại 1.000 tấn gạo.
1.000 tấn gạo còn lại sẽ giao bằng cách gì, giao bằng container họ không nhận, trong khi chúng tôi không thể gọi điện thoại sang Chính phủ Hàn Quốc để trao đổi?", ông Trung kể lại một vướng mắc thực tế và điển hình.
Cuối cùng thì vẫn giải quyết được nhưng vấn đề ông Trung muốn nói là qua bao nhiêu năm tham gia xuất khẩu gạo, nhưng cả khu vực ĐBSCL không có được cảng nước sâu, mặc dù hiện nay cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui làm rất tốt về lưu lượng.
Đến nay các doanh nghiệp vẫn phải đưa hàng lên cảng TP.HCM đóng. Việc đóng hàng tại bãi rất dễ bị mất hàng và dễ thiếu sự chu đáo, nhưng nếu mang container về nhà máy đóng thì không phải nhà máy nào cũng có thể làm được được.
“Để tăng tính cạnh tranh hàng hóa cần kéo giảm chi phí, rút ngắn thời gian giao hàng và doanh nghiệp phải kiểm soát được hàng hóa của họ, vì một trong những rủi ro lớn nhất của hàng xuất khẩu là rủi ro trong logistic. Do vậy, doanh nghiệp cần kiểm soát quá trình đóng hàng container cho đến khi hàng được gài seal thì mới an tâm.
Không chỉ vậy, hầu hết các rủi ro bị ẩm ướt hàng, hỏng hư hàng, trễ tiến độ giao hàng đều nằm ở khâu đóng container, nếu trễ một giờ thôi có thể trễ chuyến tàu, trễ một lô hàng và trễ cả L/G thanh toán… có rất nhiều vấn đề dây chuyền xảy ra mà ai làm xuất khẩu đều biết, mỗi khi đóng hàng thức trắng đêm để làm là chuyện bình thường.
Nếu giải quyết được các vấn đề trên doanh nghiệp đã tiết kiệm được quỹ thời gian từ 3 đến 5 ngày thậm chí 10 ngày, và vòng quay vốn thương mại cho doanh nghiệp sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông Trung nhấn mạnh.
Xúc tiến các trung tâm logistics ở ĐBSCL là nhu cầu cấp bách hiện nay
Từ những khó khăn trên cho thấy hình thành các trung tâm logistics để hỗ trợ thông thương hàng nông sản đang là yêu cầu cấp bách hiện nay.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group cho rằng, nếu Nhà nước bỏ vốn đầu tư xây dựng các trung tâm logistics sẽ cần nguồn vốn rất lớn lại chưa chắc thành công, nhưng nếu Nhà nước cho một số doanh nghiệp lớn chuyên về logistic đầu tư vào có khả năng thành công hơn.
Theo vị lãnh đạo của Intimex, khi có vài doanh nghiệp đầu tư rồi thì các doanh nghiệp khác sẽ làm theo, và khi đã theo thành một chuỗi thì việc cắt giảm chi phí logistics ở ĐBSCL mới thành công.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group
“Nếu Chính phủ xây dựng hệ thống logistics và có phối hợp với doanh nghiệp sẽ tạo được bước đột phá về logistic cho ĐBSCL, thúc đẩy kinh tế nơi đây phát triển mạnh mẽ lên. Nếu để tình hình logistics ở ĐBSCL phập phù như hiện nay sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, doanh nghiệp giảm giá mua nông sản của nông dân và cuối cùng thì nông dân vẫn là người chịu thiệt", ông Nam nói.
Đưa cảng đến gần chân hàng
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp gạo đang gặp phải, bà Đỗ Thu Hường – Phó giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) cho biết, hiện có 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL qua các cảng cửa ngõ TP.HCM và Cái Mép.
Nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong logistics, giải pháp trước mắt và toàn diện của TCSG là đưa cảng đến gần chân hàng, cụ thể là đưa dịch vụ đến với khách hàng và vận tải đường thuỷ sẽ là giải pháp tiết kiệm nhất.
Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này đầu năm TCSG đã gặp những khó khăn nhất định là container rỗng không có ở đây, nên các doanh nghiệp tự tìm và mang container rỗng về nhà máy đóng hàng xong vận chuyển bằng sà lan lên TP.HCM, mà phần lớn các doanh nghiệp gạo ở đây không đủ tiêu chuẩn đóng hàng.
Do vậy, TCSG sẽ phối hợp với các hãng tàu đưa chợ container rỗng về ĐBSCL, khách hàng sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc lựa chọn container rỗng đóng hàng, sau đó vận tải đường thuỷ lên các cảng cửa ngõ tại TP.HCM và cảng Cái Mép là giải pháp tiết kiệm chi phí nhất cho doanh nghiệp.
Bà Đỗ Thu Hường – Phó giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn
“Đây là giải pháp mà TCSG sẽ tập trung trong một hệ sinh thái khai thác cảng và logistics và đang cung cấp cho khách hàng. Để thực hiện thành công chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp hãy thay đổi cách suy nghĩ, phương án đóng hàng để phối hợp với hãng tàu. Sự hợp tác giữa khách hàng, cảng, hãng tàu và tất nhiên chính quyền địa phương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sà lan lưu thông.
Giải pháp của TCSG là sẽ hợp tác với các hãng tàu một cách toàn diện để đưa container rỗng về ĐBSCL, và chúng tôi có thể giảm chi phí ở chỗ này nhưng sẽ có những chi phí chỗ khác bù đắp lại. Đó cũng là chủ trương của TCSG”, Phó giám đốc Marketing TCSG khẳng định.