Lợi nhuận MWG thụt lùi, Bách hóa Xanh có cơ hội hòa vốn vào 2023?
Theo báo cáo tại buổi họp nhà đầu tư mới đây, tháng 10/2022, MWG có doanh thu thuần 10,9 nghìn tỷ (giảm 11% so với cùng kỳ). Lũy kế 10 tháng đầu năm, MWG thu về 113,7 nghìn tỷ ( tăng 15% so với cùng kỳ). Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT MWG nhận định, không biết rằng đây là kết quả dở hay tương đối đáng khích lệ so với các doanh nghiệp lớn khác trên thị trường trong bối cảnh chung khó khăn, MWG có thể đạt kế hoạch về doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ đạt 90% so với năm trước.
Trong đó, Bách Hóa Xanh (BHX) ghi nhận doanh thu thuần 2,37 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ). Lũy kế 10 tháng, BHX thu về 22,3 nghìn tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ).
Tính đến cuối tháng 10, BHX đã đóng cửa hơn 400 cửa hàng, số lượng cửa hàng giảm xuống còn 1.729 cửa hàng, doanh thu bình quân 1 cửa hàng đạt 1,37 tỷ đồng. BHX ghi nhận mức lợi nhuận trực tiếp (đã bao gồm khấu hao) ở cấp độ cửa hàng dương vào tháng 10 và cao nhất kể từ đầu năm 2022. Như vậy, BHX đang hòa vốn EBITDA ở cấp độ Công ty.
Theo ông Nguyễn Đức Tài thế giới có nhiều vấn đề cần giải quyết: Chiến tranh, lạm phát, giá xăng dầu…. và có tác động đến Việt Nam. Việt Nam luôn đi chậm hơn so với những ảnh hưởng xảy ra trên thế giới trong khoảng 6 tháng. Tình hình trong nước đang bước vào giai đoạn khó khăn về dòng tiền vào bất động sản, chứng khoán.
Ông Tài cũng dẫn thực tế hiện nay công nhân thay vì phải tăng ca lại chia ca, 1 tháng làm 14 ngày, ai không chịu nổi thì về quê hoặc nghỉ việc. Thu nhập người lao động ảnh hưởng đến sức mua và tác động lên ngành bán lẻ.
Trước đó vào tháng 7/2021, BHX từng ghi nhận doanh thu kỷ lục gần 4.240 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt hơn 2,1 tỷ đồng. Qua đó giúp tỷ lệ đóng góp của BHX vào tổng doanh thu của MWG đến 45%.
Mặc dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến doanh thu chung của các doanh nghiệp, BHX vẫn ghi nhận tăng trưởng dương và liên tiếp đạt được thành tích kỷ lục. Cũng vào tháng 7/2021, BHX thông báo có 315 nghìn đơn giao hàng thành công trên nền tảng bán hàng trực tuyến, thời gian cao điểm có thể thu về 20 nghìn đơn/ngày. Tại thời điểm đó, BHX vượt mặt các đối thủ khác khi có thể cung ứng hơn 10 nghìn đơn hàng hàng thiết yếu mỗi ngày phục vụ khắp các tỉnh thành phía Nam. Kết thúc năm 2021, BHX mang về doanh thu 28.216 tỷ đồng, chiếm 23% trong tỷ trọng doanh thu của MWG.
Tuy nhiên, trong giai đoạn này BHX đối mặt với hàng loạt những vấn đề liên quan đến vận hành hệ thống như lùm xùm về giá bán và nghi vấn về chất lượng sản phẩm gây bức xúc cho khách hàng, ảnh hưởng không nhỏ đến truyền thông và uy tín của các chuỗi cửa hàng. Đại diện BHX đã thừa nhận sai sót và đưa ra biện pháp khắc phục.
Kết quả kinh doanh chuỗi Bách hóa Xanh. Nguồn: Thế giới Di động |
10 tháng đầu năm, BHX ghi nhận doanh thu 22,3 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giảm 21% so với 2021. Kể từ tháng 4/2022, BXH tiến hành tái định vị và củng cố nền tảng vận hành, thay đổi nhận diện cửa hảng. Theo chia sẻ từ lãnh đạo MWG, BHX tiến hành đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả để sắp xếp lại hệ thống, thay đổi diện mạo.
Trong quý 3, BHX ghi nhận khoản lỗ 814 tỷ đồng do chi phí thanh lý 229 tỷ đồng và một số chi phí phát sinh khác trong quá trình tái cấu trúc chuỗi BHX như chi phí hợp đồng cho thuê. Do đó, báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect ước tính khoản lỗ hoạt động của BHX vào khoảng 400 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ khoảng 600 tỷ đồng trong quý 1/2022.
VnDirect đưa ra ước tính doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng đạt 1,45 tỷ đồng trong quý 4 và 1,52 tỷ đồng trong năm 2023, sẽ bắt đầu có lãi kể từ quý 2/2023.
Công ty chứng khoán SSI cũng dự báo BHX có khả năng sinh lời từ quý 4/2022 trở đi nhờ doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng được cải thiện và không phát sinh chi phí một lần liên quan đến việc đóng cửa các cửa hàng hoạt động không hiệu quả do công ty đã ghi nhận 540 tỷ đồng khoản chi phí này trong quý 2/2022 và quý 3/2022.
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm 2022 ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu từ Vietnam Report cho biết, kết quả khảo sát doanh nghiệp bán lẻ cho thấy 53,8% đơn vị đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch COVID-19. Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp cho rằng, triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ các năm trước đó.
Tuy vậy BHX vẫn đối mặt với không ít khó khăn trước đối thủ mạnh và tình hình kinh tế nói chung. Hiện tại, chuỗi cửa hàng BHX đang tập trung phân phối trong khu vực miền Nam. Trong khi đó, các đối thủ trong ngành hàng bán lẻ như Winmart trong tháng 9 đã chính thức hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích tại Hà Nội và TP.HCM, dự kiến cuối năm 2022 tiếp tục mở rộng trên cả nước với kỳ vọng đạt 4.000 cửa hàng và 170 siêu thị.
Các siêu thị có vốn đầu tư từ nước ngoài như Aeon hay Central Retail có được chỗ đứng vững chắc. Aeon hiện có 4 trung tâm mua sắm lớn tại tỉnh thành lớn là Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương. Dự kiến trong tương lai, Aeon dự định mở rộng gấp 3 lần số trung tâm mua sắm với vốn đầu tư cả trăm triệu USD trên mỗi cửa hàng.
Bên cạnh đó, lạm phát tạo áp lực khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đi. Theo dự báo của SSI, lạm phát sẽ làm tăng chi phí cho MWG, công ty khó có thể chuyển phần tăng lên của chi phí sang giá bán cho khách hàng.
BVSC cũng đưa ra những dự đoán về sức mua của mặt hàng tiêu dùng - hàng không thiết yếu sẽ giảm so với kỳ vọng dưới áp lực lạm phát và lãi suất tăng và biến động tỷ giá, nguồn cung thiếu hụt do chính sách zero-COVID từ Trung Quốc và việc cắt giảm việc làm tác động đến nhóm tiêu dùng công nhân. Đơn vị này vẫn đánh giá cao MWG trong năm 2023 nhờ tái cơ cấu lại BHX.