Mở cửa biên giới và bỏ cách ly kiểm dịch từ ngày 8/1: Đón đầu cơ hội
Thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: Hữu Chánh |
Doanh nghiệp đặt nhiều niềm tin
Theo bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), Trung Quốc là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023.
Trong các mặt hàng xuất khẩu, bà Hằng nhấn mạnh mặt hàng cá tra sẽ có lợi hơn tôm do doanh nghiệp có sẵn quan hệ thương mại với các đối tác Trung Quốc. Sản phẩm cá tra Việt Nam có thể lấp đầy khoảng trống cá thịt trắng từ Nga trong bối cảnh xung đột chính trị vẫn chưa đến hồi kết. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại các cửa khẩu đường bộ, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ rất thuận lợi khi rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển.
Không chỉ ngành hàng sản xuất, xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam cũng đang đặt nhiều kỳ vọng khi Trung Quốc sẵn sàng mở cửa biên giới đường bộ, "dỡ rào" Zero COVID. Anh Trần Đức Mạnh (Công ty Du lịch Việt Travel) cho biết, doanh nghiệp đã sẵn sàng đón dòng khách Trung Quốc quay trở lại.
Việt Travel đã xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm nên ngay từ trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, doanh nghiệp đã tích cực duy trì mối quan hệ hợp tác, cập nhật thông tin từ các đối tác du lịch để sẵn sàng đón dòng khách này khi Trung Quốc mở cửa trở lại.
"Hiện công ty lữ hành chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn các gói dịch vụ, thiết kế tour để đón các đoàn khách Trung Quốc muốn ghé thăm điểm đến Việt Nam như: TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Cam Ranh, Hạ Long, Sa Pa, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Mũi Né, Phú Quốc, Đà Lạt..." - anh Trần Đức Ân (SN 1989, hướng dẫn viên du lịch tại Quảng Ninh) chia sẻ.
Kỳ vọng thương mại hai chiều Việt - Trung cải thiện tích cực
Theo Tổng cục Thống kê năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Những hàng hóa này đang chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước. Do vậy, trước thông tin sẽ nối lại hoạt động thông quan hàng hóa, vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới, gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng, chống dịch COVID-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu (bao gồm cả hàng hóa đông lạnh) từ ngày 8/1/2023 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang được nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đặt niềm tin.
Agriseco Research (Ngân hàng Agribank) nhận định, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện và hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa, nối lại đường bay giữa hai nước.
Cụ thể Việt Nam đã nhập khẩu hơn 30% nguyên vật liệu đầu vào sản xuất từ Trung Quốc chủ yếu máy móc, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu dệt may, da giày. Trong thời kỳ Trung Quốc đóng cửa, các doanh nghiệp này đã gặp không ít khó khăn do thiếu nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng mạnh, hàng hóa tắc nghẽn.
Xét trong khu vực ASEAN, tỉ trọng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam đang là 15,3%, đứng thứ 2 trong khu vực (chỉ sau Singapore với tỉ trọng 17%).
Như vậy, Việt Nam có thể là một trong số các nước hưởng lợi lớn nhất từ xuất khẩu khi Trung Quốc mở cửa hậu “Zero COVID”.
Nhận định về triển vọng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải dự báo, ngay trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ được cải thiện mạnh mẽ.
Đơn cử, xuất khẩu rau quả, thủy sản, gạo… của Việt Nam sang Trung Quốc tăng cao nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc tăng dần. Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2022, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống COVID-19 và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý 2/2023. Về tổng thể, tất cả điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Theo nguồn: laodong.vn