Mới duyệt chi 20% gói hỗ trợ tiền nhà trọ 6,6 nghìn tỷ cho công nhân, nhiều địa phương đùn đẩy lỗi
Nhiều địa phương chậm trễ trong phê duyệt và giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân, dù thời hạn nhận hồ sơ chỉ còn 4 ngày |
Trong khi thời hạn nhận hồ sơ gói hỗ trợ này chỉ còn 4 ngày, kết thúc vào ngày 15/8, Bộ LĐ-TB&XH đã công khai những địa phương giải ngân chậm.
Tổng hợp của Bộ LĐ-TB-XH từ báo cáo của các địa phương cho thấy, tính đến ngày 11/8, các địa phương đã nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho hơn 2,84 triệu người lao động, tổng kinh phí đề nghị hơn 1.883 tỷ đồng (tương đương 29% so với dự kiến).
Riêng Lai Châu và Điện Biên không có người lao động thuộc diện hỗ trợ. Trong đó có hơn 2,6 triệu người lao động đang làm việc và hơn 204 nghìn người lao động quay trở lại thị trường việc làm.
Trong tổng số hồ sơ nhận được, các địa phương đã phê duyệt hỗ trợ với hơn 1,92 triệu người lao động, tổng số tiền hơn 1.233 tỷ đồng. Trong đó mới giải ngân hơn 728 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 1 triệu người. Số tiền giải ngân chỉ tương ứng hơn 11% so với số tiền dự kiến ban đầu.
Tới nay mới có 56 địa phương giải ngân tiền hỗ trợ tới tay người lao động, có 4 địa phương dù đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, đã phê duyệt nhưng chưa giải ngân cho người lao động.
Các địa phương đã duyệt hỗ trợ nhưng chưa giải ngân gồm: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên.
Những địa phương giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ dưới 1% gồm: An Giang, Hải Phòng, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hoá…
Một số địa phương số lượng người lao động diện hỗ trợ đông nhưng giải ngân rất thấp như: Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An...
Những địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt hơn, như: Đồng Nai, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Bắc Giang, Hà Nội...
Về lý do giải ngân gói hỗ trợ chậm, Bộ LĐ-TB-XH chỉ rõ một số nguyên nhân như: Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt triển khai; ban hành kế hoạch chậm; một số địa phương yêu cầu thêm thủ tục hành chính làm khó doanh nghiệp và người lao động; doanh nghiệp lập và gửi hồ sơ muộn;
Đặc biệt, có doanh nghiệp sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của mình.
Bên cạnh đó, có sự lúng túng trong thẩm định và duyệt hồ sơ của cán bộ cấp huyện, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.
BHXH Việt Nam cho hay, tới ngày 11/8, cơ quan BHXH các địa phương đã tiếp nhận và xác nhận danh sách người lao động tham gia BHXH để làm thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà cho trên 3,66 triệu người đang làm việc; và xác nhận cho trên 252 nghìn người lao động trở lại thị trường việc làm. |