Mòn đi những lát cắt nghìn tỷ cho phục hồi?
Cải cách thủ tục hành chính giúp giảm thiểu chi phí trong nền kinh tế, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa) |
Thậm chí đó là một động lực quan trọng, không chỉ cho phục hồi nền kinh tế sau COVID-19 mà còn mang tính chất bền vững, dài hạn cho hiệu quả hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các bộ ngành sẽ khó cải cách nếu thiếu đi áp lực từ phía Chính phủ, cộng đồng và các bên liên quan, cũng như thực tiễn vẫn còn những phát sinh và cả hiện tượng mòn đi những lát cắt thời gian qua.
Một lát cắt điển hình
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, các bộ, ngành sẽ phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Mục tiêu này rất ý nghĩa, bởi nếu cắt giảm thực chất sẽ tác động tích cực đến môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Về kết triển khai Nghị quyết sau hai năm, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (TTHC) cho biết, các bộ, cơ quan đã trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cắt giảm trên 1.100 quy định (bao gồm các thủ tục, yêu cầu, điều kiện, danh mục kiểm tra chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn…); có 7 bộ đã trình phương án để Chính phủ thông qua gần 900 quy định…
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Thông tư 06/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Đây là một lát cắt điển hình, mà nếu nhân rộng được ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế có thể giúp tiếp tục giảm thiểu hàng nghìn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo quyết định mới, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.
Với thông tư trên, doanh nghiệp ngành thủy sản sẽ giảm bớt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trước đó, hàng nhập khẩu (chủ yếu là sản phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm) được sử dụng làm nguồn nguyên liệu cho hàng xuất khẩu đáng lý được miễn kiểm dịch theo thông lệ quốc tế, nhưng về Việt Nam lại được đưa vào danh mục “kiểm dịch” hoặc đồng thời “kiểm dịch và “kiểm tra an toàn thực phẩm”. Điều này khiến số lượng tờ khai “kiểm dịch” hàng thủy sản của Bộ NN&PTNT đã lớn hơn tổng số tờ khai kiểm tra “an toàn thực phẩm” và “chất lượng” của 13 bộ, ngành cộng lại.
“Chỉ tính thời gian tối thiểu để làm thủ tục kiểm dịch theo quy định là 2 ngày/lô, mỗi năm doanh nghiệp phải dành gần 135.000 ngày để làm hồ sơ kiểm dịch, và chỉ riêng việc lưu kho đã tốn hơn 224 tỷ đồng; chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh khác”, ông Nam cho biết thêm.
Có dấu hiệu “mòn đi” và chậm lại?
Thông tư mới của Bộ NN&PTNT được coi điểm sáng về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Tuy vậy, theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Ban môi trường kinh doanh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đây chỉ là điểm sáng hiếm hoi về cải cách trong thời gian qua. Trên thực tế, tốc độ cải cách, chất lượng cải cách môi trường kinh doanh đang chậm lại và thậm chí có xu hướng giảm đi so với thời gian trước.
“Qua quan sát của chúng tôi khi làm việc với doanh nghiệp tại địa phương, có một cảm nhận chung là môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi sau COVID-19, nhưng những cải cách về môi trường kinh doanh thì hiếm hoi, có một vài thay đổi nhỏ và doanh nghiệp không thể cảm nhận được” - bà Thảo quan ngại, cũng như đặt vấn đề niềm tin của doanh nghiệp đối với sự đồng hành của Chính phủ cũng chính là một yếu tố tác động đến mục tiêu tăng trưởng.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn, mọi người lo phòng chống dịch, doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, những chia sẻ, hiệp lực của cộng đồng doanh nghiệp cũng giảm bớt. Do đó, áp lực từ phía doanh nghiệp, phía Chính phủ, từ các đơn vị nghiên cứu độc lập cũng giảm dần. Điều này không chỉ khiến cho các bộ ngành chậm lại trong việc cải cách, thậm chí có xu hướng khôi phục lại một số những công cụ quản lý trước đây họ đã tháo bỏ.
Bà Thảo đưa ra dẫn chứng: Trong dự thảo thông tư của Bộ Công Thương quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại mà báo chí đã phản ánh gần đây, mặc dù có chứa nội dung về điều kiện kinh doanh nhưng lại ẩn chứa trong các nội dung về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Điều này cũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước khác. Thay vì đưa điều kiện kinh doanh vào nghị định thì lại lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở cấp thông tư.
“Để khắc phục điều này cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn của Chính phủ để các bộ ngành có áp lực tránh đưa ra quy định tránh gây khó cho doanh nghiệp. Nếu như Chính phủ không tạo ra áp lực mạnh mẽ, liên tục, thường xuyên thì khó tạo áp lực cho các bộ ngành tiếp tục nỗ lực cải cách”, bà Thảo nhấn mạnh.
Tại cuộc họp với đại diện các bộ, cơ quan ngang bộ do Văn phòng Chính phủ trì nhằm đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68 mới đây, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC đề nghị các bộ đã có phương án cắt giảm, đơn giản hóa nhưng chưa trình Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ trước 30/9.
Theo đó, ở định hướng chung, dù còn những tồn tại và bất cập phát sinh, cải cách TTHC vẫn phải là một dòng chảy thường xuyên, với những chuyển động, yêu cầu và áp lực với những mốc hẹn cụ thể như trên từ Chính phủ.