HoREA: Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội |
Vấn đề về nhà ở xã hội là một trong những nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15. Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội quá ít. Minh chứng là vừa qua một dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội được mở bán với số lượng chỉ hơn 200 căn hộ nhưng có đến hàng nghìn người dân nộp hồ sơ.
Yếu tố đầu tiên và có tính chất quyết định đến việc hình thành nhà ở xã hội là bố trí quỹ đất. Những năm gần đây, số dự án nhà ở xã hội tại khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số dự án tại ngoại vi thành phố, dù đã hoàn thành, sẵn sàng đón cư dân nhưng qua nhiều lần mở bán không thu hút được người dân do xa trung tâm, đi lại khó khăn.
Nhà ở xã hội muốn thu hút được người mua cần bảo đảm giao thông kết nối, hạ tầng đồng bộ. Nếu tiếp tục đẩy dự án nhà ở xã hội ra xa trung tâm thành phố thì càng xây dựng nhiều càng dẫn đến tình trạng nơi dư thừa, nơi mỏi mắt tìm không thấy. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính toán lại quy định "thu hồi" quỹ đất 20% tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Liên quan đến quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội, có đại biểu lại cho rằng không nên quy định cứng mỗi dự án phải dành 20% phát triển nhà ở xã hội. Bởi có khu vực giá trị quyền sử dụng đất rất lớn. Vì vậy, đại biểu cho rằng với dự án có vị trí đắc địa không xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực này, nên quy thành tiền để nhà nước xây ở khu vực khác phù hợp hơn với mức sống và điều kiện của người lao động có thu nhập thấp.
Thực tế Dự thảo Luật cũng đã có quy định nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng lợi nhuận định mức; vay vốn ưu đãi; hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án...
Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn đang gây khó cho các chủ đầu tư. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu đặt ra theo hướng, nhà nước sẽ cung cấp đất sạch cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội. Bởi bằng cách này, các doanh nghiệp sẽ không mất thời gian để giải phóng mặt bằng nên có thể nhanh chóng phát triển dự án đưa nguồn cung ra thị trường sớm.
Một thông tin tích cực, các chuyên gia nhận định, nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Nhất là khi Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện Chương trình cho vay theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho người mua nhà và chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây lại chung cư cũ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ có sự tăng trưởng do các chính sách điều hành vĩ mô đều đang ưu ái cho phân khúc này. Không chỉ nguồn cung mà sức thanh khoản của nhà ở xã hội cũng sẽ rất mạnh do phân khúc này có lực cầu rất lớn.
Dự đoán này dựa vào việc một số dự án nhà ở xã hội chuẩn bị khởi động. Cụ thể, vào cuối tháng 5 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng tại số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Chủ đầu tư của dự án là Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình.
Hay dự án nhà ở xã hội Khu nhà ở Đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh đã khởi công xây dựng với tổng vốn đầu tư 1.268 tỷ đồng. Khu nhà ở đô thị Kim Hoa bao gồm 9 toà nhà có thiết kế 9 tầng nổi và 1 tầng hầm. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp cho Hà Nội 720 căn hộ.
Lộ diện 3 dự án nhà ở xã hội tại Phú Thọ được vay vốn theo gói tín dụng 120.000 tỷ đồng |