Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vì sao chưa giải ngân được? |
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Hiệp hội nhận thấy, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng này về bản chất không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, mà chỉ là gói tín dụng thương mại với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường dành cho chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Nhưng do Văn bản 2308/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước sử dụng cụm từ “thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi”, “lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi” đã dẫn đến sự ngộ nhận đây là “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội”.
"Nhưng trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở mới, trong đó có chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội thì trước mắt, gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cũng có tác động tích cực đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; hoặc chủ đầu tư và người mua nhà tại các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; nhưng đối với người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội thì tác động rất hạn chế", văn bản nêu.
Cgiải thích thêm, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội, bởi lẽ nếu là gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội thì phải đảm bảo 2 tiêu chí sau đây:
Thứ nhất, lãi suất thấp dành cho chủ đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội quy định thường bằng 50% mức lãi suất cho vay thương mại, như quy định mức lãi suất ưu đãi hiện nay là 4,8 - 5%/năm và mức lãi suất ưu đãi này được xác định hàng năm.
Thứ hai, thời hạn vay ưu đãi dài hạn, như Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm áp dụng cho cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội và 5 năm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi tín dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội vay với lãi suất thấp, dài hạn là chính sách cốt lõi, phổ biến nhất được thực hiện ở nhiều nước được cho vay với lãi suất thấp, dài hạn với các kỳ hạn khác nhau tuỳ theo từng nhóm đối tượng được phân nhóm theo thu nhập để có chính sách ưu đãi tín dụng phù hợp.
Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng dự kiến giải ngân trong giai đoạn 2023-2030, nhưng sau gần 2 tháng triển khai thực hiện thì Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa phát sinh dư nợ do chưa có người vay.
Về việc này, Hiệp hội lý giải: Đối với người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân “chưa mặn mà” vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lên đến 8,2%/năm là quá cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị, như trường hợp căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, thanh toán trước 20% là 200 triệu đồng và được vay 80% là 800 triệu đồng với lãi suất 8,2%/năm thì chỉ riêng việc trả lãi vay năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng, đồng thời còn phải trả một phần nợ gốc.
Còn đối với người mua nhà tại dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chưa vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng do thị trường đang thiếu sản phẩm nhà ở của các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, nhưng có thể nhận định gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phù hợp với đối tượng này.
Ngoài ra, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa kế thừa đầy đủ tinh thần của Thông tư 11/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2013. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng lãi suất vay “ưu đãi” này trong 5 năm và sau 5 năm thì ngân hàng thương mại và người mua, thuê mua nhà ở xã hội thỏa thuận lãi suất vay, hầu như có thể nhận định là lãi suất mới sẽ cao hơn, nên người mua nhà “sợ”, không dám vay.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất vay trong “thời gian ưu đãi” này được công bố định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần và mức lãi suất 8,2% đầu tiên chỉ áp dụng đến 30/06/2023, sau đó sẽ công bố mức lãi suất áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2023… Cách tính lãi suất này càng làm cho người mua nhà thêm “bất an”.
Bên cạnh đó, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được “tâng lên” thành gói tín dụng có “thời gian ưu đãi” cho nhà ở xã hội, nên Ngân hàng Nhà nước quy định người vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội chỉ được vay “ưu đãi” 1 lần để mua 1 căn nhà, mà nếu đã vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất khoảng 8,2%/năm thì người có thu nhập thấp đô thị sẽ bị “mất cơ hội” vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành với lãi suất 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.
Từ những “bất cập, hạn chế” trên khiến tâm lý của người có thu nhập thấp đô thị “cố chờ” cho đến khi ban hành Luật Nhà ở (mới) để có chính sách ưu đãi tín dụng về nhà ở xã hội và đến khi có nguồn cung nhà ở xã hội mới để vay ưu đãi tại Ngân hàng chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước chỉ định.
So sánh với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thì Hiệp hội đánh giá cao “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng” do Bộ Xây dựng đề xuất. HoREA nhấn mạnh, đây mới chính là tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội bảo đảm 02 tiêu chí “lãi suất thấp” và “thời hạn vay dài hạn”.
Từ đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét đề xuất “gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng” theo cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, đáp ứng được khoảng 30% nguồn vốn để thực hiện Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, mà theo kinh nghiệm thực hiện gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây thì các ngân hàng thương mại được “cấp bù lãi suất” 1 đồng có thể huy động được 33 đồng vốn của xã hội, mang lại hiệu quả rất lớn.
Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét nên dành một phần gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và gói 40.000 tỷ đồng giảm 2% lãi suất năm 2022 nhưng kết quả giải ngân chưa đáng kể để sử dụng các nguồn vốn này hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hiện nay nhưng có triển vọng phục hồi, phát triển trở lại, nhất là tập trung hỗ trợ người tiêu dùng và khách hàng để làm tăng tổng cầu giúp cho nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững.
Đại gia Đường "bia": Tắc lớn nhất trong triển khai nhà ở xã hội là tư duy nhà quản lý |