Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2022
Những chính sách mới có hiệu lực trong tháng 10/2022 sẽ có tác động trực tiếp tới kinh tế và xã hội và đời sống người dân.
Tăng giá dịch vụ đăng kiểm ô tô thêm 10.000 đồng
Thông tư 55/2022/TT-BTC sửa đổi Thông tư 238/2016/TT-BTC quy định giá dịch vụ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, thiết bị và xe máy chuyên dùng đang lưu hành; đánh giá, hiệu chuẩn thiết bị kiểm tra xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 8/10/2022. Theo thông tư trên, mức giá đăng kiểm ô tô sẽ tăng thêm 10.000 đồng.
Cụ thể, đối với xe tải, xe ô tô đầu kéo và các loại xe ô tô chuyên dùng có mức giá lần lượt là 290.000 đồng, 360.000 đồng và 570.000 đồng. Đối với máy kéo, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ và các loại phương tiện vận chuyển tương tự và rơ moóc, sơ mi rơ moóc là 190.000 đồng.
Ngoài ra, các xe ô tô chở người, xe buýt, xe cứu thương lần lượt có mức giá 250.000 - 360.000 đồng, xe ba bánh và các loại phương tiện vận chuyển tương tự giá 110.000 đồng.
Người sử dụng lao động không còn được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp
Trước đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, tại Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động.
Cụ thể, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ ngày 01/10/2021 đến 30/9/2022.
Người sử dụng lao động được giảm mức đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Như vậy, sang tháng 10/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ chính thức kết thúc. Các doanh nghiệp sẽ phải quay trở lại mức đóng 1% cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Miễn phí cấp và sử dụng tài khoản định danh điện tử
Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, được Chính phủ ban hành ngày 5/9/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022.
Chủ thể danh tính điện tử là cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam không phải thanh toán chi phí đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và chi phí sử dụng tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; Thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử người nước ngoài bao gồm: Thông tin cá nhân: Số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; thông tin sinh trắc học: Ảnh chân dung; vân tay.
Danh tính điện tử tổ chức gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm tên tiếng Việt, tên viết tắt (nếu có) và tên tiếng nước ngoài (nếu có); ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; số định danh cá nhân hoặc số định danh của người nước ngoài; họ, chữ đệm và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu của tổ chức.
Bỏ các quy định về tính tỷ lệ nội địa hóa ô tô
Từ ngày 1/10/2022, theo Thông tư 11/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 10/8/2022, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô sẽ chính thức được bãi bỏ.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các quy định nói trên có trong những văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, tại Quyết định số 28/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Quyết định 05/2005 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 28/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô; Thông tư số 05/2012 sửa đổi, bổ sung điều 1 Quyết định 05/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 28/2004 về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các văn bản quy phạm pháp luật nói trên không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành công nghiệp ô tô. Đặc biệt là tính tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết được sản xuất trong nước của Việt Nam khác hoàn toàn so các nước trong khu vực và xu hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của thế giới.
Hiện các nước ASEAN tính tỷ lệ nội địa hóa theo tổng giá trị của từng chi tiết cộng lại để hưởng ưu đãi thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).