![]() |
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác Quốc hội với VCCI chiều 19/8. |
Chiều 19/8, Đoàn công tác của Quốc hội do Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để nắm bắt tình hình hoạt động, lắng nghe phản ánh, đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua VCCI.
Mở đầu buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thời gian tới, Quốc hội sẽ xem xét rất nhiều dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp như Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…
Theo đó, để các luật sửa đổi đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội cần nghe được thông tin nhiều chiều, từ nhiều đối tượng, chủ thể khác nhau; trong đó có cộng đồng các doanh nghiệp, các doanh nhân. Đây là một trong những nguồn thông tin từ thực tiễn hết sức hữu ích với cả các bộ, ngành của Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội.
Vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị VCCI quan tâm, có đóng góp tích cực và giá trị để đưa tiếng nói của doanh nghiệp đến với Quốc hội và Chính phủ thông qua các diễn đàn.
Bên cạnh đó, nhìn vào báo cáo của VCCI về số lượng khoảng 94,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau 7 tháng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ và cần VCCI quan tâm, nghiên cứu để tìm kiếm giải pháp khắc phục...
![]() |
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (giữa) tại buổi làm việc với VCCI chiều 19/8. Ảnh Quốc hội |
“Điểm nghẽn” kinh doanh xuất phát từ mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản luật
Làm việc với đoàn công tác của Quốc hội, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, sau một giai đoạn đầy khó khăn dưới tác động của đại dịch COVID - 19, bước sang năm 2022, khu vực doanh nghiệp đã có những bước phát triển tích cực. Thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa của các doanh nghiệp trong một số ngành phục hồi trên 75-85% so với thời điểm trước dịch bệnh, trong đó một số ngành như dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành có dấu hiệu phục hồi rõ nét.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, trong thời gian qua, VCCI tiếp tục nhận được những phản ánh về tình trạng khó tiếp cận được sự hỗ trợ từ những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo khảo sát của VCCI, có tới 47% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Trong khi, 4% doanh nghiệp cho biết phải huy động vốn từ các nguồn tín dụng khác.
Cùng với đó là những phản ánh của doanh nghiệp về chi phí liên quan đến người lao động tăng; khó khăn trong tiếp cận vốn; chi phí đầu vào tăng cao, gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Đáng chú ý, liên quan đến lĩnh vực đất đai, vẫn còn nhiều tồn tại như công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định... Theo VCCI, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh.
Mặt khác, với một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ thì lại phải đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực; mức độ tiếp cận các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Ngoài ra, các phản ánh của một số doanh nghiệp với VCCI tiếp tục xoay quanh những tồn tại, mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh. Điều này tạo nên “điểm nghẽn” trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể, ở một số lĩnh vực, các thủ tục hành chính còn gây phiền hà, khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp như thủ tục trong các lĩnh vực thuế, phí, đất đai, bảo hiểm xã hội và xây dựng.
“Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính cấp phép kinh doanh có điều kiện. Hiệu quả thực thi của một số cơ quan nhà nước còn chưa cao. Có tình trạng mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nêu lên bất cập.
Về gói hỗ trợ lãi suất 2%, theo VCCI, việc doanh nghiệp tiếp cận được “nguồn vốn rẻ” này cũng không hề đơn giản, do các điều kiện quy định cho vay khó đáp ứng được; trong đó có vấn đề về không có tài sản bảo đảm để thế chấp.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng, dẫn đến lo ngại cho các doanh nghiệp là lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Thời gian gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay 1-2% so với trước. Như vậy, theo VCCI, khi lãi suất cho vay tăng thì việc ưu đãi lãi suất 2% của chính sách này sẽ giảm đi tính “hỗ trợ” cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến gói hỗ trợ lãi suất 2%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ký ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành ngân hàng xác định đây là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện khẩn trương để hỗ trợ phục hồi nhanh nền kinh tế. Chủ động triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ NHNN đến các NHTM, từ hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch của NHTM... Tại Chỉ thị trên, Thống đốc nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của NHNN để hạn chế đối tượng được hỗ trợ lãi suất, các trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất... |