Người lao động là bộ phận có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển về kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Vì vậy, mỗi quốc gia đều đưa ra các chính sách pháp luật thể hiện sự quan tâm toàn diện đến các vấn đề thuộc lĩnh vực lao động nói chung và người lao động nói riêng.
Nhiệm vụ trọng tâm phối hợp công tác năm 2023 mới đây đã có nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm về vấn đề nhà ở công nhân, nhà ở xã hội. Trong đó, điều kiện kinh tế như tỷ lệ việc làm, xu hướng tăng lương và niềm tin của người lao động đều có ảnh hưởng rất lớn. Việc làm của người lao động cũng sẽ tác động thị trường bất động sản vì chỉ những người có việc làm, kiếm được nhiều tiền và có nguồn thu nhập ổn định mới đủ khả năng mua bất động sản, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.
Ngoài ra, các xu hướng về tiền lương cũng có ảnh hưởng rất lớn trong môi trường hiện tại, khi mà lạm phát cao đáng kể và chi phí sinh hoạt đang tăng với tốc độ nhanh chóng. Chi phí sinh hoạt được coi là một điều kiện quan trọng khi các ngân hàng và tổ chức tín dụng đánh giá khả năng thanh toán khoản vay. Vì vậy, nếu tiền lương không theo kịp với mức tăng chi phí sinh hoạt, thì khả năng hồ sơ vay được duyệt sẽ thấp. Điều này kéo theo nhu cầu mua bất động sản xuống thấp và làm giảm tính thanh khoản của thị trường.
Do đó, người lao động sẽ lo ngại về các điều kiện kinh tế trong suốt 12 đến 24 tháng tới hay một xu hướng giảm trên thị trường bất động sản.
Nếu tỷ lệ thất nghiệp đạt đến mức rất cao, thì người lao động sẽ không thể hoặc khó mua được nhà vì không đáp ứng đủ các điều kiện. |
Báo cáo mới đây của Cushman & Wakefield cho rằng, một xu hướng nổi bật trong thời gian tới là sự bùng nổ của nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, với khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội sẽ được phát triển cho những đối tượng thu nhập thấp trước năm 2025. Nhưng hiện nay, cả người mua và nhà đầu tư đều có xu hướng chờ xem chính sách mới trong năm 2023 trước khi đưa ra quyết định.
Mặc dù thị trường bất động sản đang có nhiều khó khăn nhưng không ít chuyên gia cho rằng, một số yếu tố nền tảng của Việt Nam đang được giữ ở mức tốt, tiêu chuẩn sống cao hơn. Tất cả đã và đang là điểm sáng để kỳ vọng vào thị trường bất động sản thời gian tới.
Thị trường bất động sản trong những năm qua liên tục tăng giá tại nhiều khu vực, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể mua được nhà ở vừa túi tiền.
Hiện nay, nhu cầu mua nhà để ở của người lao động vẫn rất lớn, vì vậy, nguồn cầu thực được cho là động lực chính giúp thị trường địa ốc sớm khơi thông thanh khoản trở lại, đồng thời giúp người lao động có chốn an cư. Tuy nhiên, để động lực này phát huy tác dụng cần rất nhiều những bệ đỡ về chính sách và việc xem xét hỗ trợ người lao động được vay tiền mua nhà…
Nhiều chuyên gia từng chỉ ra rằng, cơ cấu sản phẩm bất động sản đang có sự lệch pha, khi giỏ hàng chiếm đa phần là các sản phẩm không phù hợp với túi tiền của người lao động. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến thanh khoản sụt giảm mạnh khi thị trường bất ổn.
Theo ông Nguyễn Nam Hiền, Chủ tịch VPCORP & HKT GROUP, năm 2023, thị trường bất động sản sẽ bước vào giai đoạn thanh lọc và tìm về giá trị thực. Nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất lớn, đặc biệt là ở phân khúc trung bình - khá đáp ứng được nhu cầu của đại đa số khách hàng. Đặc biệt, đối với các đô thị vệ tinh của TP.HCM, cơ hội sẽ mở ra cho các nhà đầu tư và người có nhu cầu ở thực.
Ông Hiền cho rằng, nhà ở trung bình - khá vẫn là phân khúc chủ lực của thị trường trong năm nay. Đây vẫn sẽ là phân khúc được thị trường mong đợi và đón nhận hơn cả, bởi nó sẽ giải quyết bài toán an cư cho rất nhiều khách hàng, không chỉ tại đô thị lớn như TP.HCM, mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố vệ tinh khác - nơi tập trung đông dân cư, chuyên gia, lao động tại các khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Do đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ sản phẩm để có đầu ra, cần phải thay đổi chính mình, tạo mục tiêu kế hoạch rõ ràng, ngoài việc làm nhà ở cho người giàu thì cũng cần chú trọng tạo nơi an cư cho những người có thu nhập trung bình…
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hầu hết các sản phẩm tồn kho của thị trường bất động sản hiện nay thuộc phân khúc cao cấp. Các sản phẩm này không có thanh khoản cao bởi không phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng hiện nay.
Theo ông Đính, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã để lại bài học quý. Tại thời điểm đó, con số 30.000 tỷ đồng so với thị trường là không thấm vào đâu. Tuy nhiên, chính sách này đã kích thích nhiều dự án chuyển đổi từ phân khúc cao cấp sang nhà ở xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Chính sách không tác động trực tiếp về mặt thanh khoản, nhưng đã đem lại những hướng đi mới cho thị trường, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng và nhu cầu thực tế.