Qúy I đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản có tồn kho tăng mạnh
Nhiều doanh nghiệp có tồn kho tăng mạnh
Thị trường bất động sản trong thời gian qua đã trải qua những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến nền kinh tế, bất động sản dở dang dài hạn, không bán được hàng, hụt doanh thu dẫn đến tình trạng tồn kho tăng cao tại các doanh nghiệp bất động sản.
Giá trị tồn kho tăng mạnh |
Các doanh nghiệp có tồn kho cao có thể kể đến như: Novaland gần 137 nghìn tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản; Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận hơn 15,1 nghìn tỷ đồng chiếm hơn 49% tổng tài sản; Nhà Khang Điền có tồn kho 12,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tới 61% tổng tài sản.
Các doanh nghiệp có tồn kho thấp hơn nhóm trên có Quốc Cường Gia Lai với tồn kho hơn 7 nghìn tỷ đồng, nhưng lại chiếm tới 72% giá trị tổng tài sản và DIC Group có tồn kho hơn 6 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng tài sản
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp bất động sản có quy mô nhỏ hơn cũng có có tồn kho tăng vượt trội. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tận đoàn Bất động sản CRV có tồn kho tại thời điểm ngày 31/3/2023 là 2.935 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị này chiếm 32% tổng giá trị tài sản. Hay tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương giá trị hàng tồn kho tại thời điểm 31/3/2023 là 1.343 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản công ty.
Các tổ chức đầu tư nhận định, về khía cạnh nhất định, lượng hàng tồn kho BĐS tăng lên trong trường hợp xấu sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp nói riêng và cho nền kinh tế nói chung. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến pháp lý, quá trình triển khai dự án mất nhiều năm, tiến độ bị ảnh hưởng do nguồn vốn đang bị siết chặt..., việc hàng tồn kho tồn động quá nhiều và lâu năm sẽ trở thành gánh nặng về thanh khoản và chi phí cho nhiều doanh nghiệp BĐS trong thời gian tới.
Chưa kể, nếu kết hợp với giá trị các khoản phải thu và xem xét thêm tỷ lệ đòn bẩy có thể nhìn thấy chất lượng tài sản của không ít doanh nghiệp đang ở tình trạng đáng báo động.
Nhưng, nếu xét trên tình hình thực tế, tồn kho tăng cao chưa hẳn là một điều xấu trong hoạt động của doanh nghiệp nếu tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất dở dang, doanh nghiệp chưa đến thời điểm được bán hết các mặt hàng tồn kho để thu tiền về.
Chuyên gia nói gì về tồn kho bất động sản?
Theo các chuyên gia, với các tính chất đặc thù, khác với các ngành khác thì bất động sản nhìn vào lượng hàng tồn kho theo cả hai hình thái tích cực và tiêu cực. Trong trường hợp, việc tăng lượng hàng tồn kho nếu nằm trong kế hoạch, chiến lược kinh doanh sẽ là lợi thế của các doanh nghiệp bất động sản, được coi là “quả đấm thép” để doanh nghiệp tăng trưởng mạnh trong dài hạn.
Nhưng, nếu nhìn ở trạng thái tiêu cực thì hàng tồn kho của doanh nghiệp kéo dài vì lý do gì? Có thể là do dự án vướng pháp lý, chưa giải phóng mặt bằng, hoặc nhiều lý do khác khiến dự án không thể tiếp tục được triển khai… thì đây sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp về chi phí, lãi vay…
Tồn kho bất động sản cần nhìn theo hai hướng tích cực và tiêu cực |
Còn trong trường hợp, hàng tồn kho là sản phẩm thì theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định nếu không được giao dịch sẽ làm mất tính thanh khoản của doanh nghiệp, trở thành cục nợ có thể dẫn đến nguy cơ phá sản nếu không thể biến lượng hàng tồn thành tiền.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng bày tỏ quan ngại với các dự án hoàn thiện nhưng chưa tiêu thụ được hết. Ông Đính cho rằng các chủ đầu tư cần điều chỉnh giá sao cho phù hợp với khả năng mua của khách hàng, bởi dự án đã ra thành phẩm nhưng chưa bán hoặc không bán được sẽ làm mất tính thanh khoản của thị trường.
Trước đó, ông Nguyễn Thọ Phùng, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai nhận định, tồn kho tăng mạnh là lợi thế của doanh nghiệp này nhưng cũng là rủi ro của doanh nghiệp khác khi hiện nay, giá nhiều loại nguyên vật liệu, đặc biệt là thép đã tăng quá mạnh trong thời gian qua và đang ở mức khá cao. Việc nhiều doanh nghiệp đang có chỉ số hàng tồn kho cao cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ nhất, đó là biến động giá nguyên vật liệu thời gian tới, bởi không có mặt hàng nào cứ tăng mãi mà không có điều chỉnh.
Thứ hai là quan hệ cung - cầu, khi cung vượt quá cầu sẽ dẫn tới tình trạng thừa cung, dẫn đến biến động giá. Trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh dịch, nhiều nước “từ chối” nhập hàng từ Trung Quốc nên Việt Nam được hưởng lợi.