Sau 3 lần lỡ hẹn, cải cách chính sách tiền lương để ngăn "làn sóng" công chức nghỉ việc
Làn sóng công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển từ khu vực công sang khu vực tư đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến 6/2022 có gần 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức thôi việc chuyển ra khu vực tư nhân, chiếm khoảng gần 2% tổng số cán bộ, công chức, viên chức.
Trong số người thôi việc, khối Trung ương có 18%, địa phương 82%. Có 19 nghìn người nhà nước làm trong lĩnh vực giáo dục, hơn 12 nghìn người làm trong lĩnh vực y tế đã nghỉ việc.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với chúng tôi, TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, để hạn chế dòng dịch chuyển bất tương xứng này, cần phải nhanh chóng xây dựng nguồn lực để điều chỉnh, cải cách chế độ tiền lương, tăng lương cho công chức, viên chức.
Theo ông việc cán bộ công chức xin nghỉ việc, rời khu vực công sang khu vực tư diễn ra ở nhiều nơi, nhiều ngành cho thấy điều gì? Đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển dịch này?
Theo tôi, bản chất của vấn đề này là do cán bộ, công chức, viên chức, đang làm việc trong khu vực công phải chịu áp lực về công việc nhưng mức lương lại không đủ sống, dẫn đến đời sống khó khăn cho nên người ta phải đi tìm một công việc mới với mức thu nhập cao hơn.
Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của họ và cũng là vấn đề bình thường chứ không phải như mọi người vẫn nói là chảy máu chất xám, vì họ chuyển từ khu vực công sang tư bản chất vẫn là trong nền kinh tế Việt Nam. Thậm chí làm tư mà năng suất cao hơn, tiền lương tốt hơn và quản trị nhân lực của đơn vị tư tốt hơn thì điều đó khẳng định xu hướng phát triển của xã hội là tốt.
Nhưng nếu nói về hệ lụy, theo tôi việc nhân sự từ bỏ các đơn vị công lập nhà nước cho thấy rằng có sự ẻo lả trong quản trị nhân lực tại các đơn vị công lập, và rõ ràng người ta không còn muốn gắn bó với đơn vị nhà nước mà trước đây ai cũng mong muốn tìm mọi cách để tham gia vào.
Hiện nay hơn 40 nghìn người ra khỏi khu vực công như vậy, thì đầu tiên phải khẳng định rõ ràng các đơn vị công lập của chúng ta đang có quá nhiều vấn đề về quản trị nhân lực, về quản lý rồi vấn đề năng suất lao động và đặc biệt là đảm bảo thu nhập, tiền lương đời sống cho cán bộ công nhân viên chức.
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, một số thành viên đề nghị cần tập trung cải cách chính sách tiền lương. Theo quan điểm của ông, cần những điều kiện nào để việc cải cách tiền lương mang lại những chuyển biến rõ rệt?
Cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của trung ương là phải tinh giảm bộ máy một cách tối đa, để đảm bảo làm sao công chức, viên chức được làm việc đúng theo năng lực và hưởng lương theo đúng đóng góp, cống hiến của họ, tiền lương phải thể hiện được giá trị sức lao động của họ.
Mục tiêu của cải cách tiền lương là để tăng năng suất lao động, nhưng muốn cải cách được hệ thống tiền lương của các cơ quan nhà nước thì vấn đề cốt yếu là phải tổ chức sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, giảm được biên chế để giảm được số lượng người mà "sáng cắp ô đi tối cắp ô về" thì mới có cơ hội để nâng tiền lương cho người lao động và điều đó mới đảm bảo đúng khả năng lao động.
Thực chất hiện nay lương chúng ta đang rất thấp nên người lao động làm việc với chất lượng rất kém, tức là lương nào việc đấy, đây là 1 vòng luẩn quẩn đòi hỏi Đảng và nhà nước cần nghiên cứu để cải cách chính sách tiền lương làm sao cho tiền lương phản ánh được giá cả và giá trị sức lao động gia tăng, để công chức đi làm có trách nhiệm và có mức lương đủ sống.
Vậy đâu là nguyên nhân chính khiến cho việc tăng lương công chức, viên chức bị chậm trễ?
Cho đến nay Đảng và Nhà nước đã 3 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Điều này xuất phát từ 3 vấn đề:
Thứ nhất, là bộ máy chúng ta quá cồng kềnh, yêu sách không cao thì cải cách tiền lương tác động xấu đến giá cả đời sống.
Thứ hai, chúng ta chưa huy động đủ nguồn lực cải cách chính sách tiền lương, bởi vì muốn cải cách tiền lương thì nguồn tiền tăng thêm để chi cho tiền lương rất cao, mà chúng ta chưa chuẩn bị được nên chưa có nguồn lực.
Thứ ba, hai năm vừa qua trải qua đại dịch COVID-19, chúng ta phải thực hiện rất nhiều gói an sinh xã hội, nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền, ngân sách không đủ cho đầu tư phát triển, dẫn đến là chưa có nguồn lực để cải cách tiền lương.
Đây là ba bài toán mà chúng ta cần nghiên cứu để có thể giải được.
Giải pháp nào để có thể cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, viên chức, thưa ông?
Theo tôi, đầu tiên là phải thực hiện cải cách, đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan đơn vị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong giai đoạn mới. Đây là vấn đề rất quan trọng.
Thứ hai, chúng ta phải nghiên cứu để tạo nguồn lực đủ điều kiện để cải cách chính sách tiền lương để tiền lương nâng lên, được cải cách nhưng không tác động đến giá cả sinh hoạt.
Thứ ba, phải tiếp tục giảm nhẹ biên chế, hiện nay chúng ta đã giảm được trên 10% nhưng chưa thể gọi là bộ máy tinh gọn được. Nếu giải được bài toán năng suất lao động thì tiền lương mới nâng lên được.
Thứ tư, muốn cải cách tiền lương thì giảm biên chế, mà muốn giảm biên chế thì phải thực hiện đúng chế độ chính sách cho người lao động.
Cụ thể, tuyên truyền giáo dục để các cơ quan đơn vị, người lao động thấy rằng việc giảm nhẹ biên chế để nâng cao hiệu quả làm việc ở cơ quan nhà nước là rất cần thiết. Trong quá trình sắp xếp lại bộ máy phải công khai minh bạch, đúng người đúng việc, tránh việc đưa người năng lực giỏi ra rồi nhận người khác vào dẫn đến mất đoàn kết nội bộ, thì việc giảm nhẹ biên chế không giải quyết được vấn đề gì cả.
Một điều nữa trong sắp xếp bộ máy là khi bố trí công chức viên chức ra khỏi vị trí việc làm của họ thì phải giải quyết chính sách chế độ cho họ hợp lý, và phải tạo cơ hội để họ có điều kiện tìm việc làm mới.
Bốn vấn đề này phải thực hiện đồng bộ mới cải cách được chính sách tiền lương đảm bảo đời sống người lao động, từ đó mới giữ chân được cán bộ công chức, viên chức ở lại khu vực công.
Xin cảm ơn ông.
Quốc hội sẽ bàn về việc cải cách tiền lương tại kỳ họp thứ 4 Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 mới đây, trả lời cử tri liên quan đến thắc mắc về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại. Tuy nhiên, "đây là vấn đề cấp thiết", do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ bàn về việc sớm quay trở lại thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương thì có thể xem xét tăng lương cơ sở, trên cơ sở đánh giá bối cảnh kinh tế có khởi sắc. Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này. |