Tái thiết logistics và tuyến đường sắt container xuyên giới hạn
Những chuyến tàu xuyên giới hạn, tái thiết sự đứt gãy của logistics trong giao thương, trong căng thẳng thiếu container rỗng và ùn tắc các bến cảng…
Thêm một tuyến đường sắt container xuyên thẳng từ Việt Nam đi châu Âu, tạo thêm một nét chấm phá điển hình cho nỗ lực vượt khó, góp phần cùng tạo nên điểm sáng tăng trưởng và kỷ lục kim ngạch xuất nhập khẩu năm qua.
*****
Tháng 7/2021, cao điểm đợt dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Giao thương nội địa như vỡ vụn bởi ngăn cách, phong tỏa, chốt chặn dày kín nhiều tuyến đường… Các tuyến vận tải biển quốc tế vật lộn với tình trạng thiếu container rỗng, ùn ứ các hệ thống cảng diễn ra căng thẳng. Vận tải hàng không trở nên “xa xỉ” bởi chi phí đắt đỏ không phải chuyến một, chuyến hai.
Ngày 20/7, đoàn tàu chuyên container thương mại đầu tiên của Việt Nam đi châu Âu đã xuất phát tại ga Yên Viên (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội), chở 23 container 40HC đi Bỉ, đánh dấu sự ra đời của tuyến đường sắt xuyên giới hạn thứ 2 phục vụ cho hoạt động xuất khẩu.
Tuyến đường sắt này có hành trình xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam), điểm đến là thành phố Liege (Bỉ), sau đó tiếp chuyển container bằng đường bộ đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan). Theo lộ trình, đoàn tàu này thẳng đến Trinh Châu (Trung Quốc) để kết nối tiếp vào đoàn tàu chuyên container Á - Âu xuyên sang châu Âu sau khi quá cảnh qua Trung Quốc, Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức và Bỉ.
Chỉ tính riêng thời gian, hành trình tuyến đường sắt container đi châu Âu cũng đã giảm được khoảng 2 tuần so với đi bằng đường biển, và đây cũng chính là tiền.
Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Ratraco - doanh nghiệp đảm nhận thực hiện vận chuyển hàng liên vận đường sắt đi các nước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát trên toàn cầu, vận tải đường biển đang đối mặt với những khó khăn như ách tắc tuyến vận chuyển, hệ thống cảng biển và đặc biệt là việc mất cân đối container rỗng thì vận tải đường sắt chính là giải pháp hỗ trợ để đưa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông thương sang thị trường châu Âu.
Với những ưu thế bởi hệ thống kết nối đường sắt liên vận quốc tế Á - Âu, Đường sắt Việt Nam đã tổ chức kết nối, phối hợp cùng các đối tác trong lĩnh vực logistics quốc tế tổ chức vận chuyển hàng hóa theo hình thức nguyên đoàn container (block train) sang châu Âu trên nền tàng các tuyến vận chuyển liên vận quốc tế đã thực hiện trước đây sang thị trường Đức, Ba Lan, Nga…
Ông Thanh cũng nhìn nhận, trong bối cảnh dịch bệnh COVID bùng phát trên toàn cầu cũng như việc mất cân đối vỏ container của các hãng tàu, giá cước vận tải đường biển và đường hàng không tăng không ngừng thì đây chính là cơ hội của vận tải hàng hóa đường sắt, đặc biệt trong vận tải hàng hóa liên vận quốc tế cũng như lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ nhất, đường sắt có ưu điểm là lịch chạy tàu linh hoạt, thời gian vận chuyển ngắn hơn đường biển. Hiện tại thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt đến châu Âu thông thường chỉ bằng 2/3 thời gian vận chuyển đường biển giúp cho các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu có thêm phương án vận chuyển tiếp cận với các thị trường đặc biệt ở châu Âu nhanh chóng hơn. Thời gian ở đây cũng chính là chi phí và lợi nhuận.
Thông qua kết hợp kết nối khai thác hệ thống mạng lưới đường sắt Á - Âu, hàng hóa sau khi đến các ga chính tại châu Âu sẽ được tiếp chuyển đến các điểm nằm sâu cách xa cảng biển bằng hệ thống vận tải đường sắt nội địa tại thị trường này, qua đó giúp khách hàng tiết kiệm thêm thời gian cũng như các chi phí và thủ tục trung chuyển hàng hóa.
Thứ hai, với sự kết hợp của các bên đối tác cùng tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ, vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế hiện tại đã cung cấp cho doanh nghiệp một sản phẩm dịch vụ tổng thể trọn gói bao gồm vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan toàn chặng, chuyển tải tại các ga biên giới (do thay đổi khổ đường), giám sát hàng hóa vận chuyển bằng hệ thống online, nhận - giao hàng hóa đến tận kho nhằm tạo thêm chủ động, thuận tiện cho khách hàng.
Lợi ích và lợi thế là vậy, song để thiết lập tuyến tàu này, ngành đường sắt Việt Nam gặp không ít khó khăn. Những rào cản đầu tiên phải kể đến là việc thuyết phục được các đối tác để có sự nhìn nhận và đánh giá đúng đắn về các dịch vụ liên quan đến vận tải do Đường sắt Việt Nam cung cấp (như dịch vụ giao nhận hàng hóa, khai báo hải quan, kết nối vận chuyển liên vận quốc tế…).
Đối tác lần này được lựa chọn là Mearsk - một đối tác lớn đứng đầu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đã có 30 kinh nghiệm kinh doanh vận tải hàng hóa tại thị trường Việt Nam đồng thời có những yêu cầu hết sức khắt khe trong việc tổ chức giao nhận hàng hóa trên phạm vi cả nước.
“Yêu cầu về thời gian thực hiện, về chất lượng dịch vụ và khả năng cung cấp dịch vụ… của Mearsk đều tương đối cao”, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Ratraco cho biết. Vì đối với Mearsk (văn phòng Việt Nam) đây cũng là lần đầu tiên họ tham gia chuỗi cung ứng vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế, họ hoàn toàn chưa có trải nghiệm về các dịch vụ do đường sắt cung cấp trong khi các thông tin về đường sắt còn khá bất lợi.
Tuyến vận tải này đã khai thác bình quân 3 chuyến/tuần; năm 2022 dự kiến nâng tần suất lên từ 4 - 5 chuyến/tuần với nhiều điểm đến khác nhau tại châu Âu như Pháp, Italia…, cũng như khai thác nguồn hàng về lại Việt Nam với 2 chuyến/tháng.
Ngoài ra, tại thời điểm chuẩn bị tổ chức chạy đoàn tàu chuyên biệt đầu tiên này, đúng vào giai đoạn cao điểm đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát trên phạm vi toàn quốc gây rất nhiều khó khăn trong công tác chuẩn bị tập kết hàng hóa từ khu vực miền Trung, miền Nam đưa ra phía Bắc để tổ chức lập tàu.
Tuy nhiên, vượt qua rất nhiều khó khăn, tính đến thời điểm hiện tại, Ratraco đã phối hợp cùng các đối tác tổ chức vận hành được 31 đoàn, tương đương với 1.426 TEUs với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chủ yếu như dệt may, điện tử, nội thất… Một tuyến vận tải mới đã thành công trong tham gia tái thiết lĩnh vực logistics năm qua, và đang hướng đến mở rộng.
Sau thời gian đầu triển khai, trung bình 1 tuần Ratraco đã nâng sức vận hành và khai thác 3 chuyến; theo kế hoạch trong năm 2022 sẽ nâng tần suất lên từ 4 - 5 chuyến/tuần với nhiều điểm đến khác nhau tại châu Âu như Pháp, Italia… Bên cạnh đó sẽ phối hợp cùng các đối tác tổ chức khai thác các nguồn hàng từ châu Âu về lại Việt Nam với tần suất 2 chuyến/tháng.
Bên cạnh các chuyến tàu nguyên đoàn chuyên container, Ratraco đã bắt đầu đưa ra sản phẩm tổ chức chạy tàu gom thẳng tới châu Âu nhưng không nguyên đoàn (dưới 23 container/chuyến). Tàu sẽ xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam) tùy theo đích đến ở châu Âu, các đoàn tàu container này sẽ được nối vào các đoàn tàu khác nhau tại các ga lập tàu Trung - Âu đi đến các điểm đích theo yêu cầu của khách hàng như Italia, Bỉ, Hà Lan và Anh.
Đánh giá về tuyến đường sắt này, một chuyên gia đường sắt nhận định, đầu tư cho đường sắt kết nối quốc tế không thể chỉ xét đến yếu tố ngành vận tải thu được bao nhiêu cước mà phải nhìn nhận ở yếu tố tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam với các nước.
Riêng tàu đi châu Âu rất thuận lợi, chỉ tính thời gian hành trình đã giảm được khoảng 2 tuần so với đi bằng đường biển, và đây cũng chính là tiền và hơn nữa chi phí vận tải thấp hơn...
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân cũng nhìn nhận rằng, hiệu quả kinh tế trực tiếp từ việc chạy tàu liên vận qua đường sắt Trung Quốc đi châu Âu không lớn. Nhưng ở tầm vĩ mô, hiệu quả lan tỏa rất lớn vì sẽ thêm một kênh vận chuyển hữu hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Đặc biệt, những chuyến tàu xuyên giới hạn này tạo thêm một giải pháp trong bối cảnh lĩnh vực logistics gặp nhiều khó khăn bởi COVID-19, qua đó tạo điều kiện kết nối các thị trường. Với thị trường châu Âu, các doanh nghiệp có thêm thuận lợi trong nắm bắt cơ hội khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) không ngừng mở rộng giá trị sau năm đầu tiên có hiệu lực (từ 1/8/2020). Giá trị ở đây không bó hẹp ở cước phí ngành đường sắt thu được, hay hiệu quả của riêng tuyến.