Tâm điểm chứng khoán: Lọt top giảm sâu thế giới, nhà đầu tư Việt đang sợ điều gì?
Hiệu ứng giảm trên thị trường chứng khoán bắt nguồn từ nhóm Bất động sản
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô - thị trường CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC)
Tuần vừa qua, thị trường giảm sâu và cũng xuất hiện rất nhiều tin đồn. Trong số này, thông tin gây nhiều hoang mang nhất có lẽ là việc một doanh nghiệp Bất động sản lớn chiết khấu giá bán dự án tới 40%. Điều này có thể cảnh báo về việc doanh nghiệp chung trong ngành bất động sản có vẻ đang thiếu thanh khoản, có vấn đề về dòng tiền trong khi đó sẽ có nhiều trái phiếu của ngành đáo hạn cuối năm nay. Cùng với đó, thì việc chính phủ đang tiếp tục thanh kiểm tra việc đấu giá đất nhà nước vẫn là trở ngại cho ngành.
Ở phiên thứ Sáu tuần trước, theo quan sát của tôi, có vẻ như hiệu ứng giảm mạnh được bắt đầu từ các cổ phiếu Bất động sản rồi lan ra cả thị trường chung. Khi dòng tiền đã yếu mà lại bị rút ra thì hiệu ứng domino lại khiến cho các cổ phiếu khác cũng bị liên đới theo.
Theo tôi, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ phải kiểm tra lại mốc 1.000 điểm. Với trạng thái tâm lý có phần cùng cực như trên thì cũng rất khó loại đi khả năng có thể bị đạp về 900-950 điểm.
Mấu chốt của thị trường vẫn phải là dòng tiền nhưng ở thời điểm hiện tại tôi chưa tìm thấy được những dấu hiệu tích cực. Có 3 kênh thông nhau là Bất động sản, Trái phiếu doanh nghiệp và Chứng khoán thì cả 3 kênh ở thời điểm hiện đều đang gặp vấn đang gặp vấn đề.
Bên cạnh đó, nỗi lo về margin cũng đang khiến tôi chưa thể yên tâm về áp lực bán ra. Số liệu margin tại các CTCK đang đạt hơn 100.000 tỷ đồng nhưng trong số này có nhiều deal là repo cổ phiếu để vay tiền hoạt động. Nếu tài sản đảm bảo không có thì sẽ dễ dẫn đến vòng xoáy margin trên thị trường.
Ngoài câu chuyện về thị trường chứng khoán, vĩ mô tuần qua cũng chứng kiến áp lực tỷ giá quay trở lại. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng sẽ tăng lãi 0,75% trong tháng 11 và 0,5% trong tháng 12 trong khi đó CPI lõi của Mỹ khó có khả năng giảm nhanh.
Quan điểm về tỷ giá trước đây của tôi thậm chí còn khá lạc quan nhưng với việc tỷ giá trên thị trường tự do đã lên 25.000 VNĐ/USD thì NHNN lại đang đứng trước áp lực sẽ phải tăng lãi suất do dự trữ ngoại hối không còn thực sự dư dả. Việc dự báo được phản ứng của NHNN là rất khó nhưng theo tôi có thể sẽ phải tăng thêm lãi suất điều hành, có thể 0,5-1% tùy theo tính toán.
Trạng thái "chim sợ cành cong" của nhà đầu tư
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK DSC
Tâm lý thị trường trở nên tiêu cực với những diễn biến xấu về vĩ mô như tỷ giá ở trạng thái khá căng và áp lực tăng lãi suất có thể tiếp tục trong thời gian tới. Tuy nhiên thực tế, cá nhân tôi cho rằng đó không phải nguyên nhân chính yếu khiến thị trường giảm mạnh trong tuần qua, cũng như trong suốt thời gian qua. Nhiều nước trong khu vực cũng có những áp lực tương tự, thậm chí vĩ mô Việt Nam còn có phần ổn định hơn, nhưng mức giảm ở các nước trong khu vực Đông Nam Á chỉ khoảng 10-15% từ đỉnh.
Nguyên nhân chính yếu đến từ việc phải cân đối các dòng tiền. Những vụ xử lý sai phạm gần đây, liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến tâm lý nhà đầu tư rất mỏng. Biểu hiện của tâm lý đó là việc nhà đầu tư rất dễ hoang mang trước những tin đồn, tâm lý đó là một phần khiến nhà đầu tư gần như buông xuôi và bán tháo trong phiên cuối tuần. Rất nhiều nhà đầu tư hỏi tôi “có vụ bắt bớ này, kia hay không”. Nhìn diễn biến thị trường như vậy và tâm lý quá bi quan của nhà đầu tư, tâm lý, nhà đầu tư nhỏ lẻ đang có trạng thái “chim sợ cành cong”.
Ngoài ra, với ngay cả những công ty chứng khoán lớn, với những nhóm cổ phiếu liên quan đến câu chuyện trên cũng giảm/cắt margin với các mã liên quan. Chính tâm lý sợ mất tiền của chính người cho vay khiến càng thổi tâm lý nghi ngờ vào thị trường, gây ra làn sóng bán tháo. Các doanh nghiệp bị cắt margin thì phải tìm nguồn thay thế… Cũng may, cuối tuần này, ngay thời điểm nhạy cảm này, chưa có thêm vụ xử lý sai phạm nào.
Do đó, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhiều nhà đầu tư tổ chức và doanh nghiệp cũng bị động. Tuy nhiên, thị trường vẫn phải chiến đấu ở cứ điểm quanh 1.000. Nếu mất vùng này, tài khoản nhiều nhà đầu tư là chủ doanh nghiệp cũng sẽ margin call và tôi cho rằng sẽ rơi sâu nếu mất mốc 1.000.
Tỷ giá và lãi suất vẫn là những nỗi lo chính cho thị trường
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán KIS Việt Nam
Có nhiều nguyên nhân làm thị trường điều chỉnh mạnh trong phiên giao dịch thứ Sáu. Thứ nhất là áp lực trên thị trường ngoại hối. Theo đó, vào ngày 17/10, NHNN đã nới biên độ tỷ giá giao ngay từ 3% lên 5%, đồng thời nâng tỷ giá bán USD lên. NHNN nới biên độ và nâng tỷ giá để đối phó với đồng USD mạnh lên khi FED liên tục nâng lãi suất từ tháng 03/2022. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng tỷ giá tiếp tục tăng trong thời gian tới khi Fed sẽ có cuộc họp chính sách vào ngày 1-2 tháng 11. Khi tỷ giá tăng sẽ làm ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khác nhiều vào việc xuất nhập khẩu.
Thứ hai là áp lực từ lãi suất. Để giảm áp lực trên thị trường ngoại hối, NHNN có thể thực hiện thêm một số biện pháp trên thị trường tiền tệ. Sau khi FED nâng lãi suất vào ngày 22/09/2022, áp lực trên thị trường ngoại hối là khá rõ ràng vì thế NHNN phải ban hành Quyết định 1606 /QĐ-NHNN để nâng lãi suất tiền điều hành, qua đó giảm áp lực tăng giá của đồng USD. Với áp lực trên thị trường ngoại hối như hiện nay, nhà đầu tư lo lắng rằng lãi suất có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vì thế, tâm lý nhà đầu tư đang có phần tiêu cực trở lại.
Ngoài ra, kênh trái phiếu doanh nghiệp cũng là nỗi quan tâm của nhà đầu tư. Dòng tiền khỏi ra thị trường trái phiếu có thể sẽ phải tìm kiếm một kênh đầu tư khác hiệu quả hơn như gửi tiết kiệm, bất động sản hoặc vàng…
Vấn đề hiện tại của thị trường trái phiếu nằm ở việc khác nhiều doanh nghiệp lúc trước đã sử dụng tiền huy động sai mục đích. Điều này làm mất lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường này, đồng thời cũng mất lòng tin vào các doanh nghiệp khác. Như chúng ta đã biết, trái phiếu là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, khi nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường này tức là nhà đầu tư sẽ không đầu tư tiếp. Điều này làm doanh nghiệp khó huy động được dòng tiền tài trợ cho hoạt động kinh doanh. Vì thế, doanh nghiệp phải hoãn các dự án lại hoặc thu hẹp hoạt động kinh doanh. Với quy mô nhỏ hơn thì triển vọng phát triển của doanh nghiệp sẽ thấp hơn và giá trị nội tại sẽ thấp hơn. Khi định giá thấp, thì nhà đầu tư sẽ phản ánh mức định giá này vào thị trường cổ phiếu.