Tăng đầu tư chất lượng và mở rộng mạng lưới, người dân ở Hà Nội đi xe buýt nhiều hơn
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng vận tải xe buýt đạt 212,7 triệu lượt hành khách, tăng 25,1% so với thực hiện cùng kỳ 2021.
Dù cùng kỳ năm trước hoạt động giao thông công cộng này có hạn chế bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19, song mức tăng trưởng trên cho thấy đà phục hồi đang thể hiện rõ.
Sản lượng hành khách đi xe buýt ở Hà Nội bắt đầu phục hồi từ đầu quý 2/2022, tăng 125% so với quý 1/2022. Tuy nhiên, số lượt người sử dụng dịch vụ vận tải công cộng này ở thủ đô trong quý 3/2022 chỉ tương đương như quý 2/2022 (tăng 1%).
Tính đến hết tháng 9, mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến. Trong đó, 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour.
Đến nay, mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt tỷ lệ 100%), 510/579 số xã, phường thị trấn (88%), 65/75 bệnh viện (87%), 192/286 số trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (67%).
Xe buýt cũng phủ 27/27 khu công nghiệp lớn (100%), 33/37 khu đô thị (89%), 22/24 làng nghề (91,6%), 23/25 khu di tích lịch sử văn hóa, khu du lịch (92%). Hệ thống vận tải công cộng này kết nối Hà Nội với 7 tỉnh, thành lân cận gồm Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Vận tải xe buýt tăng tốc trong 9 tháng đầu năm |
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, sản lượng hành khách xe buýt tăng trưởng nhờ đơn vị mở mới và đưa vào hoạt động 11 tuyến, trong đó có 5 tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông và 6 tuyến xe buýt điện, nâng tổng số tuyến xe buýt điện của toàn mạng lên 9 tuyến. Trung tâm cũng điều chỉnh tạm thời lộ trình đối với 35 tuyến buýt theo tổ chức giao thông chung của thành phố.
Đồng thời, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội điều chỉnh lộ trình, mở rộng vùng phục vụ của xe buýt với 8 tuyến buýt, điều chỉnh thời gian biểu chạy xe đối với 14 tuyến buýt để phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của người dân.
Bên cạnh đó, hạ tầng phục vụ xe buýt cũng được đầu tư nâng cấp. Tính đến hết tháng 9, hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 4.396 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 120 điểm đầu cuối và 12,9 km đường dành riêng cho xe buýt.
Mới đây, theo đề xuất của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), dự kiến giai đoạn 2020-2025, Hà Nội tiếp tục điều chỉnh lộ trình 52 tuyến xe buýt để hợp lý hóa mạng lưới và mở rộng vùng phục vụ. Trong đó, có 15 tuyến điều chỉnh để giảm trùng tuyến và tăng kết nối tại các nhà ga khi các tuyến đường sắt đô thị hoạt động. Điều chỉnh tần suất dịch vụ cho 23 tuyến buýt hiện có.
Giai đoạn 2020-2025, từ 90-100 tuyến buýt được mở mới. Trong đó, có 10 tuyến buýt phục vụ học sinh, sinh viên, công nhân… Cùng với 154 tuyến buýt hiện có, sẽ nâng tổng số tuyến trên địa bàn thành phố đến năm 2025 lên 220-230 tuyến.
Trong giai đoạn này, đề án cho biết tăng cường từ 1.600-1.800 xe mới, nâng tổng số phương tiện hoạt động buýt lên 3.400-3.800 xe.
Hà Nội dần thay thế để sử dụng xe buýt điện |
Ngoài ra, từ năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45-50%. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh, tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%. Sản lượng hành khách vận chuyển bằng xe buýt đạt từ 22-25% tổng nhu cầu đi lại của toàn thành phố. Kinh phí trợ giá bình quân hàng năm giai đoạn 2026-2030 vào khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.
Transerco dự kiến tổng số phương tiện đủ điều kiện đưa vào lộ trình xem xét chuyển sang xe buýt điện từ năm 2025 là 225 xe, chiếm 21,3% số phương tiện hiện có. Các phương tiện vẫn còn niên hạn sử dụng sau khi đấu thầu lại từ năm 2025 sẽ được thay thế dần trong 2-4 năm kể từ khi đấu thầu lại.
Theo kế hoạch chuyển đổi dần từ buýt chạy xăng dầu sang buýt điện, Transerco xem xét đơn giá khấu hao phương tiện, đảm bảo thời gian thu hồi đủ vốn đầu tư, sau đó sẽ dần thay thế sang xe buýt điện đối với các tuyến đang vận hành.