Tăng trưởng GDP năm 2022: Mục tiêu 8% trong khả năng?
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý 3/2022 tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó kéo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, mức tăng cao nhất của giai đoạn 2021 – 2022 và vượt dự kiến kịch bản đặt ra.
Trong các khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99% (đóng góp 4,04%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,44% (góp 41,79%); dịch vụ tăng 10,57% (góp 54,17%).
Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế tại phiên họp thẩm tra tình hình phát triển kinh tế-xã hội 2022 và kế hoạch năm 2023 diễn ra ngày 30/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, với mức tăng trưởng 9 tháng như trên, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 khả năng đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Như vậy, con số tăng trưởng năm 2022 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra cao hơn nhiều so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, World Bank dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2022 khoảng 7,2% hay IMF và Fitch Ratings đều đưa ra dự báo GDP của Việt Nam năm nay khoảng 7%, HSBC dự báo là 6,9%, ADB là 6,5%...
TĂNG TRƯỞNG 8% - KHẢ NĂNG CAO
Sau khi số liệu GDP quý 3 được công bố với mức tăng lên tới 13,67%, ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng cục Thống kê đang dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 tăng trưởng khoảng 7,5-8%.
Ở phương án GDP tăng 7,5%, tăng trưởng quý 4 chỉ cần đạt “mức thấp” là 4,1%. Còn với phương án tăng trưởng đạt 8%, quý 4 cần đạt mức tăng 5,9% - là mức thấp hơn tăng trưởng quý 2 nhưng cao hơn quý 1 của năm nay.
"Chúng tôi đang nghiêng hơn về phương án GDP năm 2022 đạt 8%", ông Hiếu nói và cho biết thêm, dù tình hình quý 4 dự báo gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong đà phục hồi, đặc biệt là khu vực dịch vụ và quý 4 cũng là điểm rơi của đầu tư công và giải ngân các gói phục hồi kinh tế.
Ông Hiếu cho biết, 9 tháng đầu năm, bên cạnh điểm sáng là xuất khẩu, khu vực dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng tới 10,57%, cao nhất của 9 tháng các năm 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%; ngành thông tin và truyền thông tăng 7,65%...
Theo ông Hiếu, trong 9 tháng đầu năm nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và tăng trưởng tốt, các cân đối vĩ mô của Việt Nam được giữ vững và ổn định, tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng tiếp theo.
"Cả ba khu vực kinh tế, nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ đều có mức tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng, đặc biệt là quý 3 nên với đà phục hồi như hiện nay, kể cả sang quý 4 công nghiệp giảm và dịch vụ giảm đôi chút thì khả năng cao tăng trưởng cả quý vẫn đạt 5,9%", ông Hiếu nhìn nhận.
Ông Hiếu cho rằng, rủi ro lớn nhất lúc này là căng thẳng Nga-Ukraine vẫn leo thang, giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến vòng hai của lạm phát, qua đó tác động đến chi phí sản xuất làm sản xuất suy giảm, đồng thời cầu tiêu thụ của các thị trường lớn như Mỹ và EU đang có dấu hiệu suy giảm do lạm phát có thể ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu các mặt hàng như may mặc, giày dép, điện tử, nông sản,… khiến xuất khẩu sẽ không đạt được mức tăng trưởng như vừa qua.
Đồng tình với quan điểm xuất khẩu đang có dấu hiệu chậm lại, TS.Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng khả năng bị ảnh hưởng lớn hơn vào năm sau.
Còn năm nay, theo ông dù tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ chậm lại nhưng chưa đến mức suy thoái nên xuất khẩu quý 4 có thể vẫn duy trì được mức tăng.
Với sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh, dịch vụ tăng trưởng tốt và xuất khẩu vẫn duy trì được đà tăng, TS.Nguyễn Đức Độ cho rằng, khả năng GDP năm nay đạt được mức 8% là hoàn toàn có thể, thậm chí có thể cao hơn nhờ đà tăng của 9 tháng đầu năm.
NĂM 2023 TĂNG TRƯỞNG THẤP HƠN TRÊN NỀN CAO CỦA NĂM 2022
Chia sẻ về dự báo kịch bản tăng trưởng năm 2023, ông Lê Trung Hiếu cho biết Tổng cục Thống kê đang dự tính ở khoảng 6,5-7%.
Theo ông Hiếu, động lực tăng trưởng của năm 2023 là đầu tư công và các gói hỗ trợ do năm sau là thời hạn cuối để giải ngân các gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số ngành dịch vụ của Việt Nam hiện nay đang có mức tăng trưởng rất thấp so với năm trước đại dịch nên năm 2023 sẽ có đà phục hồi và tăng trưởng tốt hơn.
Ngoài ra, ông Hiếu cho biết, theo dõi số liệu của các nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trước đây có thể thấy phần lớn các nước bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 ví dụ như Trung Quốc bị ảnh hưởng từ quý 1/2020 (GDP âm 6,8%). Tuy nhiên, Việt Nam bị ảnh hưởng lớn trong năm 2021, như vậy, Việt Nam bị lệch mất một kỳ so với các nước.
Cũng theo các số liệu này, những nước có mức tăng trưởng âm nặng trong năm 2020 sẽ phục hồi rất mạnh vào cùng kỳ năm sau giống như Việt Nam tăng trưởng âm quý 3 năm ngoái, năm nay tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Với các nước này, năm 2021 tăng trưởng rất cao và năm 2022 tiếp tục tăng trưởng cao.
Ông Hiếu lấy ví dụ như Ấn Độ tăng trưởng âm 24,4% vào quý 2/2020, sang quý 2/2021 đạt mức tăng dương 20,1%, cả năm 2021 tăng trưởng 8,9% và năm 2022 vẫn được dự báo tăng 7,4% (theo IMF). Hay như Philippines tăng trưởng âm 17% vào quý 2/2020, sang quý 2/2021 tăng trưởng dương 12,1%, cả năm 2021 tăng trưởng 5,7% và năm 2022 dự báo tăng trưởng 6,5% (theo WB).
Như vậy, do trễ hơn các nước này một kỳ nên Việt Nam sẽ tăng trưởng cao trong năm 2022 và cả sang năm 2023.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng gói phục hồi của Việt Nam cũng bị trễ so với các nước (các nước đưa gói phục hồi và các chính sách tiền tệ hỗ trợ người dân sớm hơn khiến lạm phát tăng sớm hơn) nên lạm phát của Việt Nam có thể chậm hơn và dự tính sẽ khoảng 4,5% vào năm 2023.
Trong khi đó, có cái nhìn kém lạc quan hơn, TS.Nguyễn Đức Độ nhận định, sang năm 2023 tăng trưởng của Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2022 một phần vì kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng chậm. Một phần nữa là năm 2022 tăng trưởng cao so với nền tăng trưởng của năm ngoái, còn năm sau sẽ so với nền cao của năm nay nên mức tăng trưởng sẽ giảm xuống.
"Tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 sẽ tùy thuộc vào kinh tế thế giới như thế nào, nhưng khả năng vẫn sẽ tăng trưởng khoảng 6%, nếu thuận lợi có thể được 6,5%, còn bất lợi có thể chỉ 5,5%", ông Độ nhận định và lưu ý bất lợi lớn nhất vẫn là nguy cơ suy thoái của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.