Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. |
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đề xuất việc tăng lương tối thiểu cho công nhân, người lao động, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Chính phủ về phương án trình Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TƯ.
Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua qua 8 lần điều chỉnh, với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% từ tháng 7/2022 đến nay.
Hiện lương tối thiểu tháng đang được áp dụng tại 4 vùng như sau: Vùng 1 là 4,68 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 4,16 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,64 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,25 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu giờ tại vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu. Như vậy, thu nhập chỉ đáp ứng gần 70% chi tiêu của người được khảo sát. Mức chi tiêu của người lao động cũng đã tăng 19% so với năm 2022, chủ yếu do giá cả, tiền điện, nước tăng cao.
Khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm còn cho thấy, hơn 500.000 người bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó có gần 300.000 người thôi việc.
Số lao động thôi việc, mất việc tập trung ở các tỉnh có khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bắc Giang, Bắc Ninh.