Tiếp nối Hội thảo giới thiệu về Chỉ số Kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) vừa diễn ra, chiều Chiều 22/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tiếp tục tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững”.
Đây cũng là sự kiện chuyên đề đầu tiên trong chuỗi hội thảo thuộc khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) năm 2022 với trọng tâm về quản trị doanh nghiệp bền vững và thực hành đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG (kinh tế - xã hội - môi trường).
Như người viết từng đề cập gần đây, ESG hiện đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh sau đại dịch, ngày càng có nhiều hơn các doanh nghiệp tiếp cận các chuẩn mực này, với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội để tăng trưởng bền vững.
Trước hết là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo doanh nghiệp
Mở đầu hội thảo, Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh cho biết, thời gian vừa qua thuật ngữ "chuyển đổi hệ thống" đang được sử dụng ngày càng rộng rãi như là một yêu cầu then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
"Trong đó, chuyển đổi có nghĩa là thay đổi toàn diện về tư duy, bao gồm cả đổi mới, tái tạo và kiến tạo những cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới dựa trên nền tảng tư duy mới và các nguồn giá trị mới. Bởi kinh doanh theo những cách chúng ta từng hiểu, theo cách thức truyền thống đã không còn là sự lựa chọn tối ưu trong hoàn cảnh mới", ông Vinh nói.
Theo Phó chủ tịch VCCI, kinh doanh theo phương thức bền vững sẽ đem lại cho doanh nghiệp sức chống chịu tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, điều này phần nào đã được thể hiện qua 2 năm diễn ra đại dịch COVID-19.
Một kết quả nghiên cứu từ VinaCapital gần đây cho thấy, một trong những câu hỏi đầu tiên của các tổ chức quốc tế khi hai bên đàm phán cơ hội đầu tư là "Quản trị bền vững như thế nào?"; cũng như các doanh nghiệp "có quan tâm đến vấn đề môi trường - xã hội hay không?"; đặc biệt là có "quan tâm tới các vấn đề quản trị đương đại hay không?".
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD |
Ông Vinh nhận định, có một hiện thực khá là rõ ràng ở Việt Nam hiện nay, đó là các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đang ngày một quan tâm hơn đến ESG; trong đó có việc báo cáo ESG như thế nào.
"Bởi vì báo cáo ESG nếu được sử dụng sẽ trở thành một công cụ rất quan trọng, nhất là trong việc quản lý rủi ro khi mà doanh nghiệp gặp bão tố từ bên trong cũng như bên ngoài", ông Vinh nêu góc nhìn.
Ông nhận định, khi nhìn sâu vào những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG mới thấy nó lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty quản trị theo ESG thì cũng sẽ đầu tư theo xu hướng này.
Hay nói cách khác, theo ông Vĩnh, đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn.
Tuy nhiên, Chủ tịch VBCSD cũng lưu ý, để thực hành ESG cũng như quản trị doanh nghiệp hiệu quả cũng cần phải có sự đầu tư và đặc biệt là sự chuyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo doanh nghiệp.
Do đó, ông Vinh cho biết, từ năm 2016 đến nay, VCCI với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giới thiệu đến các doanh nghiệp Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam.
Toàn cảnh buổi hội thảo “Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững”. Ảnh Tuấn Việt |
Khi ESG là câu chuyện chung của tất cả các doanh nghiệp
Trong bài trình bày về “Quản trị phát triển bền vững - Chuyển đổi tư duy gắn với thực hành hệ thống ESG”, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch VBCSD Hà Thu Thanh đã chia sẻ về tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp bền vững, cũng như đề cập tới những tác nhân chính thúc đẩy tiến trình này.
Trước hết, theo bà Hà Thu Thanh, việc tích hợp ESG là một bài toán nhiều thách thức. Tuy nhiên khi Chính phủ đã có cam kết về phát thải ròng, ESG không chỉ còn là trách nhiệm, mà đã là một yếu tố bắt buộc để duy trì hoạt động kinh doanh liên tục và là cơ hội phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bối cảnh mới.
Bà Hà Thu Thanh nhìn nhận: "Đây không chỉ là câu chuyện của riêng các công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các doanh nghiệp". Trong đó, tại mỗi doanh nghiệp, HĐQT, trước hết là người đứng đầu đóng vai trò chính để thúc đẩy hành động này.
Dẫn lại một câu nói tâm đắc từ chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, bà Thanh tiếp tục khẳng định việc phát triển bền vững không phải là một trách nhiệm mà là cơ hội để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, mạnh hơn, tốt hơn và bền vững hơn...
Theo Phó chủ tịch VBCSD, trong những năm gần đây tại Việt Nam, quản trị doanh nghiệp nói riêng và quản trị phát triển bền vững nói chung đang ngày một được ưu tiên, áp dụng bởi các công ty đại chúng, niêm yết trên thị trường chứng khoán và thị trường vốn.
Nếu doanh nghiệp áp dụng, tuân thủ được báo cáo ESG thì sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, ngay chính kênh ngân hàng, hiện nay khi cho vay, họ cũng quan tâm hơn tới yếu tố này.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch VBCSD. |
Tham gia trực tuyến, đại diện tới từ Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Thế giới (WBCSD), ông Joe Phelan, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã chia sẻ kết quả nghiên cứu từ WBCSD cho thấy các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xác định những rủi ro về ESG trong công tác quản trị rủi ro hàng năm; cho dù ESG vẫn được họ đưa vào báo cáo bền vững thường niên của mình.
Vì vậy, để đề xuất giải pháp cho việc này, ông Joe Phelan cho biết, WBCSD giới thiệu mô hình Ba tuyến mới. Theo đó, ESG được tích hợp thông qua 3 trụ cột chính.
Thứ nhất là Quản trị (bao gồm phát triển cơ chế quản trị và báo cáo theo khung ESG và gắn kết chặt chẽ với các bên liên quan).
Kế đến là Quản lý (bao gồm phát triển công tác tiếp cận đa nguồn lực, đánh giá rủi ro thực chất theo ESG, giám sát chất lượng dữ liệu/báo cáo về ESG).
Cuối cùng là Kiểm toán nội bộ (có vai trò kiểm soát và bảo đảm tính chính xác của dữ liệu ESG trong doanh nghiệp, thúc đẩy công tác báo cáo về các ảnh hưởng kinh tế, xã hội của doanh nghiệp theo khung ESG, và tương tác chặt chẽ với hai trụ cột còn lại).
Trong khi đó, ở phần chia sẻ, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận Quan hệ Đối tác của VBCSD lưu ý rằng hiện nay tại Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về thực trạng hoạt động của các Khu công nghiệp (KCN) và các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
Báo cáo nghiên cứu của VBCSD cũng chỉ ra thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quản trị KCN như ban quản lý KCN, chủ đầu tư, chủ các doanh nghiệp trong KCN, cũng như các nhãn hàng để thực hiện phát triển bền vững doanh nghiệp và KCN.
Do đó, theo ông Hải, VBCSD hiện đang phối hợp các thành viên để xây dựng Bộ chỉ số KCN bền vững dựa trên khung ESG và tiến hành thử nghiệm mức độ tương thích, phù hợp của Bộ chỉ số trong quản trị KCN tại Việt Nam.
Dự kiến hàng năm, VBCSD sẽ hợp tác với các các cơ quan Chính phủ, ban quản lý KCN, các chủ đầu, các nhãn hàng để xây dựng bản đồ hiện trạng KCN bền vững trên toàn quốc, nhằm cung cấp một nền tảng tổng thể và toàn diện, không chỉ giúp đo lường hiệu quả hoạt động của KCN, mà còn giúp cải tiến liên tục và chuyển đổi KCN, tiến tới đạt các tiêu chuẩn về KCN sinh thái.
VCSF là sáng kiến đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp được VCCI - VBCSD thực hiện thường niên từ năm 2014. Theo Ban tổ chức, VCSF 2022 sẽ được tiếp nối với hai Hội thảo chuyên đề về “Thúc đẩy yếu tố đa dạng và bao trùm trong kinh doanh”, “Tái xác định giá trị doanh nghiệp từ khía cạnh môi trường: Những đóng góp của doanh nghiệp trên lộ trình phi phát thải” được tổ chức vào 26 và 27/10 tới tại TP.HCM. Phiên toàn thể của VCSF 2022 dự kiến sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 01/12, cùng ngày với Lễ công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam 2022. |