Trong năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chậm lại do cầu thế giới suy yếu. Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện một phần tình trạng này.
BÙ ĐẮP SỰ SUY GIẢM TỪ XUẤT NHẬP KHẨU
Theo ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ Tổng cục Thống kê (TCTK), xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật của năm 2022 khi Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD; trong đó xuất khẩu 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, nhập khẩu 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.
“Cán cân thương mại duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với 9 mặt hàng xuất khẩu trên chục tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế”, ông Phong điểm lại.
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê |
Tuy vậy, từ quý 4/2022, thị trường tiêu dùng hàng hóa toàn cầu đã chậm lại thấy rõ, nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản... lạm phát tăng cao đã giảm sức mua, đã ảnh hưởng trực tiếp tới lượng đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Về con số xuất siêu 11,2 tỷ USD, nếu nhìn ngắn hạn là tốt nhưng thực chất là dấu hiệu cảnh báo các doanh nghiệp đã nhập khẩu ít đi, đồng nghĩa với sẽ tác động đến chu kì sản xuất tiếp theo và ảnh hưởng đến sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu”, ông Phong quan ngại.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng COVID-19 từ ngày 8/1/2023 được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện một phần tình trạng xuất nhập khẩu đang chậm dần đi của Việt Nam do suy thoái toàn cầu.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, năm 2022, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam với 177,7 tỷ USD, tăng 6,8%; trong đó, nhập khẩu đạt 58,4 tỷ USD tăng 4,5%, xuất khẩu 119,3 tỷ USD tăng 7,9%. Song hai mức này đều thấp hơn mức tăng chung của xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam cả năm 2022.
“Tới đây khi thị trường Trung Quốc mở cửa thì các hoạt động giao thương phục hồi sẽ tác động tích cực đến xuất nhập khẩu”, ông Phong kỳ vọng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam (chiếm 55% kim ngạch xuất khẩu). Việc áp dụng chính sách Zero COVID của Trung Quốc đã khiến ngành rau quả trong nước gặp khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này trong năm 2022.
“Trước đây, thời gian thông quan hàng hóa sang Trung Quốc nhiều nhất cũng chỉ một tuần, nhưng khi áp dụng chính sách Zero COVID có khi mất cả tháng. Doanh nghiệp không những tốn chi phí về nhân công, xăng dầu, thời gian mà thậm chí hàng hóa hư hỏng, gây tổn thất nặng nề", ông Nguyên cho biết.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam |
Vì vậy, việc Trung Quốc nới chính sách kiểm soát dịch và mở cửa các cửa khẩu thời gian tới, dự báo kim ngạch rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc năm tới có thể tăng 20 -30% so với năm 2022.
“Đến nay, Việt Nam đã có 12 loại rau quả được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc bỏ chính sách Zero COVID sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 4 tỷ USD một cách dễ dàng” ông Nguyên kỳ vọng.
KHÔNG BỎ LỠ CƠ HỘI, THÊM THÁCH THỨC
Ở chiều nhập khẩu, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng cho biết, chính sách Zero COVID đã gây ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước do các quy định về phòng dịch, hạn chế lưu thông và tiêu dùng hàng hóa, dịch bệnh.
Ngoài ra, cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, từ đó gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong việc dự báo thị trường để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng |
Tới đây, việc Trung Quốc nới lỏng chính sách kiểm soát dịch cũng sẽ đem lại một số khó khăn cho doanh nghiệp điện tử do có một luồng hàng hóa lớn, giá thành thấp sẽ tràn vào Việt Nam, cạnh tranh với sản phẩm trong nước.
“Một số nguyên vật liệu đầu vào vẫn tăng do chênh lệch tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và USD, gây ra lượng tồn kho lớn. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp không thể bán được hàng do các sản phẩm đã tràn vào rất nhiều với giá rẻ. Doanh nghiệp lâm vào tình trạng không thể tiêu thụ được hàng hóa”, ông Dương quan ngại.
Nhìn nhận về những khó khăn này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (TCTK) cho rằng, để không bỏ lỡ những cơ hội về giao thương trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần theo dõi sát thị trường và chủ động đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của thế giới và Việt Nam để kịp thời có những điều chỉnh ứng phó.
“Việc thông tin dự báo tình hình hàng hóa trong nước và thế giới và cập nhật các quy định chính sách mới của các quốc gia là thị trường lớn của Việt Nam giúp các doanh nghiệp biết và có phản ứng tương ứng”, ông Phong nêu rõ.
Đối với doanh nghiệp, ngoài việc tận dụng và khai thác tốt hơn Hiệp định tự do mà cả Việt Nam và Trung Quốc tham gia như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thì các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu để tránh đứt gẫy nguồn cung, cũng như đẩy mạnh được xuất khẩu.
“Doanh nghiệp cũng cần có sự linh hoạt trong chiến lược sản xuất kinh doanh, từ tận dụng lợi thế từ hiệp định thương mại tự do, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại và phát triển thương hiệu, và đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường thế giới”, ông Phong lưu ý.