Ngày 8/11, Công an thành phố Đà Nẵng đồng loạt khám xét khẩn cấp trụ sở chính, Sở giao dịch và nhà riêng của một số lãnh đạo Công ty GFDI để thu thập thông tin, tài liệu liên quan. Ảnh: CTV. |
Như đã đưa tin, từ ngày 5/11 đến ngày 8/11, rất đông người dân tập trung về trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI (gọi tắt là Công ty GFDI) ở đường 29 Tháng 3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng để đòi lại tiền hợp tác đầu tư, cho vay tài sản để kinh doanh.
Theo thông tin cung cấp cho báo chí của các khách hàng, họ có ký hợp đồng đầu tư, cho vay tài sản tại Công ty GFDI. Lãi suất phía công ty GFDI đưa ra khoảng 2,5-3%/tháng, có nhiều trường hợp cao hơn, tổng trên 50%/năm.
Khi xuất hiện thông tin Công ty GFDI chậm chi trả một số hợp đồng đầu tư, họ muốn chấm dứt hợp đồng lấy lại tiền nhưng không được.
Ngày 8/11, Công an thành phố Đà Nẵng đồng loạt khám xét khẩn cấp trụ sở chính, Sở giao dịch và nhà riêng của một số lãnh đạo công ty này để thu thập thông tin, tài liệu liên quan. Thông tin ban đầu, điều tra Công ty GFDI do có liên quan đến việc huy động vốn trái phép và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Bên trong trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI. Ảnh: CTV. |
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, cá biệt; gần đây nhất là tháng 10 vừa qua, Cổng thông tin Xây dựng Chính sách, Pháp luật của Báo Chính phủ đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã ra khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam Lã Quốc Trưởng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Capel về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ, để có tiền mua nhà, ôtô và tiêu xài cá nhân, Trưởng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân bằng thủ đoạn sử dụng pháp nhân Tập đoàn Capel tuyển dụng nhân viên, tự phong các chức vụ cao cấp và thành lập thêm nhiều chi nhánh tại 5 tỉnh, thành.
Sau đó, Trưởng cho tổ chức các buổi hội thảo, giới thiệu về Tập đoàn Capel đang đầu tư, kinh doanh nhiều lĩnh vực và kêu gọi người dân ký “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” với hình thức mua bán cổ phiếu, trả lãi suất cao.
Tuy nhiên, sau khi nhà đầu tư ký hợp đồng hợp tác đầu tư, đối tượng lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, chi trả các khoản vay, trả lương, hoa hồng cho nhân viên và chi tiêu cá nhân...
Sau đó, Trưởng đóng cửa trụ sở công ty nhằm chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Tính đến thời điểm bỏ trốn, Lã Quốc Trưởng đã chiếm đoạt của hơn 4.800 bị hại ở khắp 63 tỉnh, thành với số tiền khoảng 700 tỷ đồng.
Ngày 11/1/2024, Cơ quan CSĐT Công an TP. HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; quyết định khởi tố bị can đối với Lã Quốc Trưởng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 22/1/2024, Cơ quan CSĐT đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam Trưởng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, ngày 21/06/2024, Cổng thông tin Công an tỉnh Quảng Ninh cũng đăng tải cảnh báo. Theo đó, thời gian qua, thông qua công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo thông qua hình thức huy động vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư, kết hợp nhiều thủ đoạn, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cho những người tham gia, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Một số thủ đoạn, dấu hiệu điển hình, như sau: Đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án đầu tư để tạo uy tín doanh nghiệp, huy động vốn của nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn. Đưa ra các mức lãi suất huy động vốn hấp dẫn, lợi nhuận cao trong thời gian ngắn để thu hút các nhà đầu tư góp vốn.
Tổ chức các buổi hội thảo quy mô lớn để tạo tin tưởng cho các nhà đầu tư tham gia góp vốn và sử dụng các hình thức thanh toán để gây khó khăn cho việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Để hạn chế những rủi ro khi tham gia các hình thức góp vốn, hợp tác kinh doanh, liên kết đầu tư, cơ quan chức năng khuyến cáo các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý những vấn đề sau:
Thứ nhất, các nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp, tổ chức, dự án nào. Cần tự trang bị kiến thức cơ bản về các hình thức huy động vốn, hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh, tìm hiểu kỹ lưỡng, kiểm tra, đối chiếu thông tin pháp lý về doanh nghiệp, tổ chức huy động vốn, về các dự án đầu tư trên nhiều nguồn như: các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cơ quan chức năng…; tư vấn ý kiến các chuyên gia tài chính để đánh giá những rủi ro trước khi ra quyết định đầu tư.
Thứ hai, nhà đầu tư cần đặc biệt cảnh giác trước những lời kêu gọi góp vốn, cam kết lãi suất, lợi nhuận “siêu cao” trong thời gian ngắn mà các doanh nghiệp đưa ra. Cần đối chiếu, so sánh với lãi suất ngân hàng hiện hành và lợi nhuận thu được từ các kênh đầu tư khác như: mua vàng, đầu tư chứng khoán… để xem xét mức độ hợp lý, hợp pháp của các mức lãi suất này. Cùng với đó, cần quan tâm tìm hiểu các thông tin về mục đích sử dụng của nguồn tiền đã góp vốn, nguồn tiền chi trả lợi nhuận cho những nhà đầu tư.
Thứ ba, khi phát hiện những vấn đề bất thường trong quá trình tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, liên kết kinh doanh, các nhà đầu tư cần thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng, đồng thời chú ý thu thập, lưu giữ, cung cấp những tài liệu như: các tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp, dự án, văn bản thỏa thuận, hợp đồng, phiếu thu, các thông báo, sao kê tài khoản ngân hàng… để phục vụ quá trình xác minh, giải quyết, từ đó đảm bảo quyền lợi của những khách hàng tham gia đầu tư.