Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP còn khiêm tốn
Các diễn giả tại diễn đàn: Giải pháp đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững |
ÁP DỤNG TƯ DUY LUÔN LUÔN TẠO RA GIÁ TRỊ
Theo PGS. Trần Phương Trà, Giám đốc chương trình Ths Quản trị kinh doanh, Trường Kinh doanh IPAG (Paris, Pháp), Giám đốc mạng lưới chính sách kinh tế EPNet, AVSE Global, trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đang thay đổi rất nhanh.
Thêm vào đó, tăng trưởng xanh đang là xu hướng, ngày một trở nên phổ biến, cần thiết và được coi trọng hơn trên toàn cầu.
Đánh giá về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trên thế giới, PGS Trần Phương Trà cho biết, hiện nay đã có Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành kỹ thuật số độc lập đầu tiên trên thế giới dành cho các nhà sản xuất (SIRI), bao gồm 3 trụ cột: quy trình - công nghệ - tổ chức với các cấu phần nhỏ; giúp người quản lý có thể bao quát các mặt mà doanh nghiệp cần quan tâm trong quá trình đổi mới sáng tạo.
Nhìn vào dữ liệu thống kê của Bộ chỉ số SIRI vào năm 2022, những nhóm ngành có mức độ trưởng thành lớn nhất gồm công nghiệp bán dẫn, thiết bị điện tử, năng lượng và hóa chất, dược phẩm. Trong năm 2022, ngành logistics cũng có sức tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phát triển của các sàn thương mại điện tử và nhu cầu mua sắm online trong thời đại dịch.
Theo bà Trà, dù là tập đoàn đa quốc gia hay các doanh nghiệp nhỏ, thì sự ưu tiên lớn nhất là năng suất, sau đó là chất lượng sản phẩm. Nhưng với nhóm doanh nghiệp xuất sắc nhất gồm các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp top đầu thì lại hướng sự tập trung vào tốc độ và sự linh hoạt.
PGS. Trần Phương Trà có phần thuyết trình trực tuyến tại diễn đàn. |
Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã xác định, cũng như đưa ra chiến lược xem tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là công cụ để phát triển. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có khả năng đổi mới sáng tạo mạnh mẽ để đảm bảo khả năng thích ứng với sự biến đổi hiện tại.
“Những chủ đề ưu tiên trong quá trình chuyển đổi của doanh nghiệp cũng cần tập trung vào việc tạo ra những giá trị khác biệt cho doanh nghiệp”, bà Trà nói.
Dẫn chứng từ kinh nghiệm của tập đoàn hàng đầu của Pháp là Thales, bà Trà cho biết, tập đoàn này đã tập trung vào từng cá nhân trong doanh nghiệp. Họ mời các nhân viên của mình tham gia vào các cuộc thi, đóng góp ý tưởng… để cải thiện bộ máy vận hành, xây dựng tương tác; đồng thời tạo tương tác giữa người và máy. Trong đó,Thales đã sử dụng nền tảng bán lẻ trực tuyến như một lợi thế cạnh tranh để hỗ trợ các mục tiêu ngắn hạn, đồng thời đối phó với các thách thức trong tương lai.
Từ những kinh nghiệm quốc tế, theo vị chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng tư duy luôn luôn tạo ra giá trị. Với khía cạnh tổ chức, đổi mới sáng tạo cần gắn liền với tổ chức, gắn với chiến lược để vận hành có tính hệ thống. Trong đó, bà Trà nhấn mạnh, văn hóa sáng tạo, khởi nghiệp là môi trường tạo tiền đề cho những đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm và công nghệ.
TẬN DỤNG TRIỆT ĐỂ ƯU THẾ TỪ CÁC FTA
Đề cập đến vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong mở rộng và khai thác thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhận định cơ hội và thách thức từ các FTA là song hành và khá rõ ràng.
Đồng nghĩa, các FTA chỉ có thể mang lại lợi ích thực sự cho nền kinh tế khi cộng đồng doanh nghiệp có thể phát huy tối đa vai trò và năng lực của mình trong quá trình thực thi các hiệp định này.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng - Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế. |
Theo ông Trịnh Minh Anh, để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cần các giải pháp đồng bộ.
Đầu tiên là đón đầu và tận dụng cơ hội về dòng vốn dịch chuyển đầu tư; đặc biệt là dòng vốn đầu tư của các nước ra khỏi Trung Quốc, Hongkong...
Thứ hai, cần chú trọng khai thác thị trường Trung Quốc. Trung Quốc đã, đang và sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với cả xuất khẩu và nhập khẩu, đối với cả chính ngạch và biên mậu, hàng hóa đúng chuẩn hay phi chuẩn...
Thứ ba, khai thác cơ hội ở các thị trường Việt Nam đã có FTA; đặc biệt là EU và Hoa kỳ một cách đa dạng. Trong đó, quan tâm tới xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp; ăn theo xu hướng đầu tư, sản xuất của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc gia khác.
Thứ tư, hết sức chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm (CO) hải quan của các nước có FTA và các cơ quan liên quan của Việt Nam rất chú ý vấn đề này; tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt vấn đề xuất xứ hàng hóa.
Thứ năm, để tận dụng tối đa ưu đãi của 15 FTA, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng (Bộ Công Thương, Nông Nghiệp và phát triển nông thôn, Tài chính…). Trong đó, cần tìm hiểu rõ chuỗi cung ứng của mình để cố gắng lấp hoặc tham gia lấp đầy các chỗ đứt, gãy của các chuỗi cung ứng này.
Cùng cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đánh giá, sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA đi vào hiệu lực, tăng trưởng thương mại hai chiều đã có sự chuyển biến tích cực. Về đầu tư, các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam với số vốn đáng kể. Đây là những nguồn đầu tư có chất lượng, sử dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Theo vị chuyên gia, châu Âu hiện là thị trường lớn, nhiều tiềm năng. Tham gia chuỗi cung ứng và bán hàng cho doanh nghiệp châu Âu cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Về chiều ngược lại, ông Minh cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đều mong muốn xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nhiều hơn, qua đó tiếp cận với thị trường ASEAN và cả châu Á.
Tuy nhiên, điều này cũng phụ thuộc lớn vào việc Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không.
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Eurocham tại sự kiện. |
Về khía cạnh phát triển bền vững, Châu Âu có chiến lược phát triển bền vững nhiều năm nay và có một số trụ cột chính gồm bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người và quyền của người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Ba trụ cột này được lồng vào chính sách thương mại của khối, cũng như được thể hiện trong Hiệp định EVFTA khi đưa ra những điều kiện và cam kết mà Việt Nam phải đạt được liên quan đến phát triển bền vững mới có thể hưởng những ưu đãi thuế quan.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp châu Âu đều là những doanh nghiệp đi đầu trong việc tuân thủ yêu cầu trong phát triển bền vững như sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất, tiêu chuẩn cao với người lao động. Ông Minh chia sẻ, hiện nay đã có khái niệm mới bao trùm hơn là thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Theo đó, hiện nay Eurocham đang triển khai 1 số chương trình tăng cường liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên như các hoạt động kết nối để các doanh nghiệp có thể nắm bắt các thông lệ châu Âu đang triển khai. Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiếp cận thị trường, xúc tiến bán hàng; các chương trình đào tạo về các quy định mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt…
Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ tại hội nghị COP26, do đó, theo ông Minh, các chiến lược, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần thay đổi và điều chỉnh và gắn với chữ “xanh”.
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ XU THẾ TẤT YẾU BẮT BUỘC
Đề cập đến tầm quan trọng của câu chuyện Chuyển đổi số trong tình hình hiện nay, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đây là vấn đề được Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo ông Đường, mô hình chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần tiếp cận từ các góc độ: Công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình; Phân tích dữ liệu để đưa ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm dịch vụ mới; từ đó để tạo ra các giá trị tiên tiến.
Để chuyển đổi số, trước hết doanh nghiệp cần tư duy lại hướng kinh doanh, cạnh tranh, đánh giá lại chuỗi giá trị, đồng thời kết nối lại với khách hàng, tăng trải nghiệm khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc chuyển đổi số và đo lường kết quả chuyển đổi số để đánh giá xem doanh nghiệp đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số cũng rất quan trọng. Nhiều doanh nghiệp thấy mình ứng dụng nhiều phần mềm nhưng không rõ mình đã chuyển đổi số chưa, vì thế cần có có bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Theo ông Đường, bộ chỉ số này được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng gồm 6 trụ cột gồm:
Thứ nhất, là trải nghiệm số cho khách hàng, đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc cung cấp cho khách hàng trải nghiệm số.
Thứ hai, là chiến lược số, đánh giá mức độ xuất sắc trong các kế hoạch của doanh nghiệp, nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tầm cao, thông qua chiến lược chuyển đổi số toàn diện.
Thứ ba, là đánh giá về hạ tầng và khả năng công nghệ của doanh nghiệp nhằm thiết lập duy trì và liên tục chuyển đổi số, môi trường số, để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu kinh doanh.
Thứ tư, là vận hành đánh giá hiệu suất cao hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp.
Thứ năm, là văn hóa số, đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường văn hóa nhờ công nghệ số.
Cuối cùng, là dữ liệu tài sản thông tin, đánh giá khả năng của doanh nghiệp cả về mặt chiến lược và hoạt động.
Cần tăng tốc độ tăng trưởng cho doanh nghiệp đang hoạt động chứ không phải số đăng ký
Một chia sẻ thu hút được sự quan tâm tại diễn đàn là câu chuyện về sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn từ Nghị quyết số 10-NQ/TW của ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam.
Ông Bình cho biết, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân đã có sự chậm lại về số lượng và lao động trong 5 năm vừa qua (từ 2016-2020). Theo đó, số lượng doanh nghiệp đang thực sự hoạt động trong nền kinh tế mới tăng từ 505.000 doanh nghiệp vào năm 2016 lên khoảng 684.000 doanh nghiệp vào năm 2020.
“Như vậy, số lượng tăng lên chỉ 180.000 doanh nghiệp, là khoảng cách khá xa so với số lượng doanh nghiệp đăng ký hàng năm, thường ở mức 1,2 – 1,3 triệu doanh nghiệp đăng ký mỗi năm”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, trong số 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động thì doanh nghiệp tư nhân trong nước là chính, khoảng 660.000 doanh nghiệp, 1.900 doanh nghiệp nhà nước và 22.000 doanh nghiệp FDI.
“Số lượng 684.000 doanh nghiệp đang hoạt động đây là con số rất ấn tượng, nhưng nếu so với ASEAN thì cho thấy, sức phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé”, ông Lê Duy Bình khẳng định.
Ông Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam. |
Vị chuyên gia dẫn chứng, như ở Thái Lan, quốc gia có dân số thấp hơn Việt Nam, nhưng có 3 triệu doanh nghiệp; tại Indonesia, dân số gấp rưỡi Việt Nam nhưng họ có 5 triệu doanh nghiệp…
“Con số này so với là tỷ lệ doanh nghiệp đang thực sự hoạt động ở các quốc gia trong khu vực ASEAN là còn khoảng cách. Đồng thời, so với mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025 là khá xa”, ông Bình lưu ý.
Nhìn vào xu thế tăng trưởng 5 năm vừa qua, vị chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn khi số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại. Điều này phần nào cho thấy động lực tăng trưởng đã bị giảm sút.
“Chúng tôi cho rằng cần chú trọng, xử lý để tăng tốc độ tăng trưởng cho doanh nghiệp đang hoạt động chứ không phải con số tăng trưởng doanh nghiệp đăng ký. Chúng ta đã đạt tới giới hạn doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, do đó, cần quan tâm đối tượng “dự bị” là hộ kinh doanh với các giải pháp khuyến khích cụ thể để họ phát triển thành doanh nghiệp”, ông Bình nêu kiến nghị.
Thêm vào đó, theo vị chuyên gia, quy mô "nhỏ bé" dần của doanh nghiệp tư nhân 5 năm qua cũng là điều đáng để suy nghĩ - khi mà quy mô doanh nghiệp từ mức trung bình 18 lao động/doanh nghiệp đã giảm chỉ còn 13 lao động/doanh nghiệp.
Đồng nghĩa, quy mô doanh nghiệp tư nhân nói chung giờ chỉ nhỏ bé, tương tự hộ gia đình.
Dù mặt tích cực là tỷ trọng tích tụ vốn của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên trong 5 năm qua, từ 53% năm 2016 lên 59% năm 2020; song theo ông Bình, nguồn vốn tăng khá mạnh nhưng quy mô bình quân của doanh nghiệp tư nhân vẫn nhỏ hơn các thành phần kinh tế còn lại như doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp nước ngoài.
“Khi mà quy mô nhỏ bé thì dẫn tới doanh nghiệp không thể tận dụng được lợi thế về quy mô, không tập trung được vốn để đầu tư vào công nghệ…”, Giám đốc Economica Việt Nam nói.
Cùng với đó, doanh thu của khu vực tư nhân tăng ấn tượng so với khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Nhưng điều này chưa thực sự đáng mừng bởi lợi nhuận không nhân lên theo đà tăng ấn tượng, cho thấy doanh nghiệp tư nhân sử dụng vốn lớn, vất vả nhưng lợi nhuận lại khiêm tốn.
Sau 5 năm tốc độ đóng góp cho GDP vẫn chỉ ở mức từ 7,8% năm 2016 lên 9,6% năm 2020, còn xa với mục tiêu tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP, để đến năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65% như mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TW.
“Điều này cho thấy còn cần rất nhiều nỗ lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân để rút ngắn khoảng cách với các nước khu vực ASEAN và gần hơn với mục tiêu được đề ra”, ông Lê Duy Bình đúc kết lại.