Ứng dụng công nghệ thông tin dự báo tình hình nông sản
Đây là nội dung của Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản trên địa bàn” vừa được UBND tỉnh Bình Phước ban hành.
Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ứng dụng hạ tầng công nghệ thông tin, số hóa và hoàn thành thu thập, thông tin, dữ liệu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cung cấp, phục vụ xây dựng kho dữ liệu nhằm phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản chủ lực của tỉnh và sản phẩm có tiềm năng phát triển quy mô lớn.
Tham gia hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về Trung tâm dữ liệu tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thường xuyên cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thị trường nông sản phục vụ phân tích, dự báo, đảm bảo tính thống nhất, chính xác và kịp thời cho các co quan quản lý nhà nước các cấp, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã.
Định hướng đến năm 2030, ứng dụng hiệu quả các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật...) trong thu thập thông tin, phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh; phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp, kết nối thông tin thường xuyên, định kỳ về trung tâm dữ liệu tập trung; thu hút được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hợp tác xã kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như: Ứng dụng và vận hành Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành nông nghiệp và và phát triển nông thôn (data warehouse/kho dữ liệu) chuyên sâu, phục vụ phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản của tỉnh; hợp tác, phát triển nguồn nhân lực phục vụ thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; ứng dụng quy trình vận hành hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản, thống nhất ở các cấp, ngành; theo dõi, đánh giá hiệu quả thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong phân tích, dự báo tình hình thị trường nông sản.
Bình Phước là địa phương có diện tích canh tác nông nghiệp lớn của cả nước với 457.000 ha; trong đó cây hàng năm hơn 27.600 ha, cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả 429.800 ha. Bình Phước được xem là “thủ phủ” cây điều và cây cao su của cả nước; trong đó, riêng cây điều có diện tích khoảng 150.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích và hơn 50% sản lượng điều của cả nước; kim ngạch xuất khẩu hạt điều niên vụ 2021 - 2022 đạt khoảng 1,2 tỷ USD.
Theo nguồn: TTXVN