VCCI kiến nghị giảm mức đóng BHXH xuống 20%
VCCI kiến nghị giảm mức đóng BHXH xuống 20% (Ảnh minh họa). |
Theo đó, chủ tịch VCCI cho rằng, tỷ lệ đóng BHXH cao hơn khiến cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp khó hơn, các đơn hàng sẽ ít đi và như vậy, việc làm, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023.
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công cho rằng, tỷ lệ đóng BHXH không nên tăng lên mức 27% mà thậm chí nên giảm xuống.
Theo ông Công, tỷ lệ đóng này hiện nay là 17% đối với doanh nghiệp, cộng cả phần đóng của người lao động là 25%, cộng thêm các khoản bảo hiểm y tế và các khoản khác thì lên đến 32%. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều, như Indonesia chỉ 10%, Philippines 8%, Thái Lan 5%.
Vì vậy, để nuôi dưỡng nguồn thu và phát triển bảo hiểm xã hội, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm mức đóng của cả của doanh nghiệp và người lao động xuống còn khoảng 20%.
Bên cạnh đó, liên quan đến việc Dự thảo Luật mới đã loại bỏ hành vi chậm đóng mà chỉ còn hành vi trốn đóng BHXH với những chế tài rất nghiêm khắc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh hoàn toàn ủng hộ việc phải cương quyết đấu tranh và có chế tài xử lý với những người không có ý thức, với những doanh nghiệp trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, ông Phạm Tấn Công cho rằng, việc chậm đóng cũng là một thực tế trong cuộc sống, nếu chúng ta loại trừ việc này thì chưa hợp lý.
“Điều này ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam rất dễ xảy ra vi phạm pháp luật. Do đó, cần khôi phục khái niệm chậm đóng bảo hiểm xã hội và quy định trong những trường hợp cụ thể”, ông Công kiến nghị.