Việt Nam cần 50 triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển 10 năm tới
Sau khi công bố dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về quy hoạch tổng thể này.
Theo Bộ trưởng Dũng, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia của Bộ này là nhiệm vụ rất quan trọng, theo phương pháp tích hợp, phạm vi rộng, chưa có tiền lệ và chưa có nhiều kinh nghiệm.
Quy hoạch này được xây dựng với mục tiêu tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh của lãnh thổ; Kết nối thông suốt giữa các vùng, địa phương bên trong quốc gia; Kết nối thông suốt giữa quốc gia và quốc tế; Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, thịnh vượng, tạo ra nhiều sinh kế, phù hợp với bối cảnh mới; bảo vệ môi trường; bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên.
Do đó, trong quá trình xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia trong nước và quốc tế, các bộ, ngành, địa phương; nghiên cứu tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia, hai nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ở các nước này.
Trong đó, chú trọng xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực...
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm
Theo Bộ KH&ĐT, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn thách thức cả trong nội tại lẫn thách thức mới từ bên ngoài; biến động nhanh, khó lường, khó dự báo, mang lại thách thức lớn nhưng cùng với đó cũng là cơ hội cho các quốc gia nếu nhận diện, nắm bắt được sẽ vượt qua thách thức, khó khăn và tận dụng cơ hội mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các lãnh thổ đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng khác cùng phát triển; cụ thể là tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.
Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng.
Với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển tập trung vào vùng lõi là tứ giác TP.HCM - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP.HCM là cực tăng trưởng...
Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Cùng với đó, ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông - Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu; Hành lang Đông - Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...
Hơn 3 triệu tỷ đồng để đầu tư 20 dự án
trọng điểm quốc gia
Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ trong giai đoạn trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, dự kiến vốn đầu tư phát triển giai đoạn này đạt khoảng 35,0% GDP, tương đương khoảng 50 triệu tỷ đồng.
Trong đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cần tăng lên so với thời kỳ trước, hệ số ICOR giai đoạn 2021 - 2030 cần giảm xuống mức 4,9 so với khoảng 7,0 của thời kỳ 2011-2020.
Để có nguồn lực thực hiện quy hoạch, Bộ KH&ĐT dự kiến cơ cấu huy động vốn từ các khu vực: nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong đó, dự kiến cơ cấu huy động vốn từ khu vực kinh tế nhà nước là hơn 10 triệu tỷ đồng, khoảng 20,0% tổng vốn đầu tư. Thu hút vốn FDI cần đạt hơn 7,0 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 270 tỷ USD, chiếm 14,0% tổng vốn đầu tư.
Cao nhất là vốn đầu tư cần huy động của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, dự kiến là khoảng hơn 33,0 triệu tỷ đồng, chiếm tới khoảng 66,0% tổng vốn đầu tư.
Theo dự thảo của Bộ KH&ĐT |
Cũng theo Bộ KH&ĐT, sẽ có khoảng hơn 3 triệu tỷ đồng tổng vốn đầu tư được dành bố trí cho 20 dự án trọng điểm quốc gia tới năm 2030. Trong đó, vốn đầu tư công là hơn 390 nghìn tỷ đồng.
Trong số 20 dự án trọng điểm quốc gia được thực hiện giai đoạn 2021-2030, có 7 siêu dự án vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện sau năm 2030. Trong đó có các dự án như: Dự án đường bộ cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh; Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây; Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Phương án 180 - 200 km/h)...
Đến 2030 thu nhập bình quân của người Việt vẫn kém xa của Malaysia... năm 2010
Cũng tại dự thảo này, dẫn nguồn từ báo cáo của WB, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.552 USD, đứng thứ 6 Đông Nam Á, bám khá sát Indonesia nhưng còn cách biệt từ xa cho tới rất xa so với các quốc gia khác trong khối như Malaysia, Thái Lan hay Singapore.
Theo đó, ở thời điểm năm 2020, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với GDP bình quân đầu người của Thái Lan (đạt 7.189 USD), Malaysia (10.402 USD), Trung Quốc (10.500 USD), Singapore (59.798 USD).
Theo dự báo của Bộ KH&ĐT, đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 7.500 USD, đến năm 2040 là khoảng 13.000 USD/người và năm 2050 đạt khoảng 25.000 USD/người.
Theo tiêu chuẩn của WB, nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp, sở hữu GDP bình quân đầu người từ 1.036-4.045 USD; nền kinh tế thu nhập trung bình cao, sở hữu GDP bình quân đầu người từ 4.046-12.535 USD và nhóm nền kinh tế thu nhập cao, có GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD.
Như vậy, nếu theo chuẩn hiện nay của Ngân hàng thế giới, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam sau năm 2040 sẽ đạt ngưỡng thu nhập cao.
Tuy nhiên, đó là tương lai được dự đoán của 20 năm nữa. Và các số liệu dự báo được đưa ra cũng cho thấy, với mức thu nhập bình quân 7.500 USD/người vào năm 2030, Việt Nam thậm chí còn chưa bằng được thu nhập bình quân của Malaysia vào năm 2010, hay chỉ nhỉnh hơn một chút so với của Thái Lan năm 2018...
Trong dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo kịch bản 1 (kịch bản tăng trưởng thấp), tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt bình quân 6,26%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 và đạt bình quân 6,34%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân 6,30%/năm. Giai đoạn 2031 - 2050 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,49%/năm. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2030 sẽ đạt hơn 7.000 USD/người, tương đương GDP bình quân đầu người của Thái Lan năm 2020, của Trung Quốc năm 2013, và thấp hơn của Malaysia năm 2010 khoảng 2.000 USD. Kịch bản này cũng đưa ra dự báo đến năm 2040 GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 13.000 USD/người, tới năm 2050 đạt khoảng 25.000 USD/người. Còn theo kịch bản 2 (kịch bản phấn đấu), Bộ KH&ĐT giả định bối cảnh thế giới thuận lợi, các vấn đề hạn chế nội tại của nền kinh tế được khắc phục, đà cải cách được duy trì và thúc đẩy thì tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 6,63%/năm; đạt bình quân 7,48%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030. Tính chung cả giai đoạn 2021 - 2030, GDP tăng trưởng bình quân 7,05%/năm, giai đoạn 2031-2050 GDP tăng trưởng có khả năng đạt 7,16%/năm. Với kịch bản này, dự báo đến năm 2030 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 7.500 USD/người, đến năm 2040 đạt hơn 14.500 USD/người, và năm 2050 đạt khoảng 32.000 USD/người. |