Việt Nam một năm sau quyết định chuyển hướng chiến lược
Một năm sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP (Nghị quyết 128) về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 ban hành, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh thành công, giữ vững ổn định về mọi mặt, thúc đẩy tăng trưởng, vững bước phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Đây là khẳng định của các đại biểu tại tọa đàm “Nghị quyết 128 - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 5/10.
Những khó khăn chưa từng có…
Cách đây hơn một năm, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, lúc đó thế giới còn chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có đủ vaccine để phòng bệnh, người dân hoang mang.
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng. Tuy nhiên chiến lược này chỉ tập trung vào phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp rất lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh và giao thương, vì không lường trước được các biện pháp chống dịch như thế nào.
Về kinh tế, đỉnh điểm của khó khăn và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 thể hiện rõ ở dữ liệu Tổng cục Thống kê công bố: kết quả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2021 giảm rất sâu, âm hơn 6%.
Sau khi trở thành một trong những quốc gia đạt độ phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu trên thế giới, nhận thấy nếu kéo dài chiến lược phòng chống trước đó sẽ dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế càng dễ chìm vào vòng xoáy suy giảm và gây bất ổn xã hội, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128.
Đây là quyết định cân não và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đặt bước chuyển quan trọng đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Thành công “kép”
Tại tọa đàm trên, các đại biểu đánh giá, sau một năm ban hành Nghị quyết 128, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, nổi bật so với thế giới trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.
Về công tác phòng dịch, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đến nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát.
“Thực tế cho đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, tại thời điểm quyết định thành công: dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhìn nhận.
Về kinh tế, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128 đã đặt nền móng lớn, tạo bước ngoặc quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế. Ngay quý 4/2021, tăng trưởng GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Và từ đó cho đến nay, thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
“Kết quả tăng trưởng trong quý 3 năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Phân tích cụ thể về từng lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.
Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.
“Có thể thấy, Nghị quyết 128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặc quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm nay”, Thứ trưởng Phương khẳng định.
Đối với doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện doanh nghiệp đã khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn bất kể khi nào và gây thiệt hại cho mình. Người dân cũng vậy, họ bắt đầu xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn.
Còn ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá, chiến lược vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong Nghị quyết 128 cũng được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Sự thay đổi này có ý nghĩa to lớn giúp duy trì các chuỗi cung ứng cũng như thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đầu tư vào Việt Nam.
Để phát triển nhanh, bền vững
Dù khẳng định con số tăng trưởng GDP đạt được vừa qua rất phấn khởi, song ông Phan Đức Hiếu lưu ý nhìn về dài hạn, chất lượng của tăng trưởng vẫn còn những điểm cố hữu chưa được giải quyết triệt để.
“Chúng ta đã nỗ lực rất nhiều trong giai đoạn vừa qua bằng thể chế, chính sách, điều hành… Chính sách cần thực thi kịp thời, đầy đủ và công bằng. Đây là điều chúng ta cần thực hiện tốt hơn. Khi có chính sách tốt thì khâu tổ chức thực thi chính sách cũng cần tốt hơn”, TS. Phan Đức Hiếu chia sẻ.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn là quan điểm xuyên suốt, dài hạn, thể hiện ở rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, kế hoạch ngắn, trung và dài hạn.
Để làm được điều đó, cần dựa trên 3 yếu tố: Xây dựng năng lực nội tại của nền kinh tế, làm sao đạt mục tiêu tự lực, tự cường, đủ năng lực để phát triển, chống chịu với các cú shock từ bên ngoài; làm chủ công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra rất mạnh mẽ; và Việt Nam phải có vị thế, vai trò trong môi trường quốc tế, hay nói cách khác là phải tham gia và làm chủ cuộc chơi.
“Đây là ba điều kiện mang tính tiên quyết, nền tảng để có thể triển khai các giải pháp khác trên tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt gắn với mục tiêu dài hạn của đất nước là phát triển nhanh, bền vững”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.