Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VPBank dự kiến sẽ đạt 67.433 tỷ đồng (Hình minh họa). |
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã VPB) vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền của đợt phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu là ngày 29/9/2022.
Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu hai cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.
Theo đó, VPBank dự kiến phát hành 2,23 tỷ cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị phát hành là 22.377 tỷ đồng.
Nguồn vốn để chia được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 21.002 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 1.374 tỷ đồng.
Ngoài ra, để thực hiện phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, ngân hàng cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 17,642%.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản chấp thuận việc VPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua tại Nghị quyết số 10/2022/ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022 và Hội đồng quản trị thông qua tại Nghị quyết số 208/2022 – HĐQT ngày 1/7/2022.
Hiện vốn điều lệ của VPBank đang là 45.056 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân và chỉ xếp sau 3 ông lớn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank. Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VPBank dự kiến sẽ đạt 67.433 tỷ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Cũng trong năm nay, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu.
Nếu hoàn tất các đợt phát hành trên, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 79.334 tỷ đồng.
Năm 2022, VPBank đặt kế hoạch tổng tài sản đến cuối năm đạt 697,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,4% so với cuối năm 2021, trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt hơn 518,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đến cuối năm dự kiến đạt hơn 413 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến tăng mạnh tới 106,5%, lên 29.662 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm trước.