![]() |
Sân bay Lai Châu là dự án động lực quan trọng, có vai trò lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh |
Cụ thể, xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo phương thức đối tác công tư (PPP) và giao UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Lai Châu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Lai Châu cho biết sân bay Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không tại Quyết định số 236 ngày 23/2/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, đây là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp 3, công suất 500 nghìn hành khách mỗi năm, diện tích sử dụng đất là 167 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Hiện nay, Bộ GTVT có Tờ trình ngày 24/12/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, công suất thiết kế dự kiến của sân bay Lai Châu là 500 nghìn hành khách mỗi năm, diện tích đất dự kiến 117 ha, ước chi phí đầu tư theo quy hoạch khoảng 4.350 tỷ đồng. Sân bay xây dựng tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
Hiện miền núi Tây Bắc có một sân bay Điện Biên. Theo đề xuất quy hoạch của Bộ GTVT, đến năm 2030 khu vực này có 4 sân bay nội địa là Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa (Lào Cai), Nà Sản (Sơn La).
Lai Châu là tỉnh miền núi có 265 km đường biên giới giáp Trung Quốc, chưa có đường không và đường thủy, chỉ có đường bộ nối với miền xuôi là quốc lộ 32.
Cảng hàng không Lai Châu được xác định là dự án động lực quan trọng, có vai trò lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh trong công tác tuần tra, kiểm soát các vùng biên giới. Đây là dự án động lực quan trọng của tỉnh Lai Châu cần đầu tư giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Lai Châu chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu. Hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay Lai Châu theo hình thức đối tác công tư.