Hội nghị chuyên đề "Đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" được UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chiều 11/4, tại TP. Cao Lãnh. Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương.
Hội nghị có sự tham dự của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Vũ Minh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Mục tiêu của hội nghị không dừng lại ở việc tổng kết thành tích, mà hướng đến xây dựng giải pháp đột phá giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động - một trong những mũi nhọn giúp giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Mai |
Theo bà Nguyễn Thị Minh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, từ thời điểm tái khởi động sau dịch COVID-19 đến ngày 31/3/2025, Đồng Tháp đã đưa hơn 8.300 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Các ngành nghề gồm: cơ khí, công nghệ ô tô, điện tử, thực phẩm, sắp xếp hành lý sân bay...
Thu nhập bình quân đạt từ 27 đến 35 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí, lao động gửi về từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng - nguồn thu lớn cho hộ gia đình, đồng thời đóng góp đáng kể vào nền kinh tế địa phương.
![]() |
Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Minh Tuyết. Ảnh: Thanh Mai. |
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Phần lớn lao động vẫn là phổ thông, lao động qua đào tạo nghề chỉ đạt dưới 15%. Điều này khiến lao động Việt Nam khó tiếp cận đơn hàng có yêu cầu cao, dễ bị đào thải hoặc phụ thuộc vào thị trường thấp”.
Cùng với đó, tình trạng lừa đảo qua môi giới, chi phí “ngoài luồng” khiến nhiều người dân lâm cảnh "tiền mất, tật mang". Một số doanh nghiệp không minh bạch thông tin, đưa lao động sang làm việc trái với hợp đồng. Vấn nạn này đã ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu lao động Việt Nam.
![]() |
Đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Mai. |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2024, Việt Nam đưa được 158.588 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 126,9% kế hoạch và đóng góp khoảng 3,5 – 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự khan hiếm nguồn lao động có tay nghề, đặc biệt ở các ngành như hàn đóng tàu, cơ khí, điện, điều dưỡng - những ngành có thu nhập cao và yêu cầu trình độ. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động như SONA cho biết dù có nhiều hợp đồng từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng lại khó tuyển đủ lao động đạt chuẩn. Đồng thời, một số quốc gia tiếp nhận đã siết chặt chính sách, tăng yêu cầu về ngôn ngữ, kỹ năng nghề và kỷ luật lao động. |
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn. Ảnh: Thanh Mai |
Trên tinh thần gợi mở của lãnh đạo tỉnh, hơn 15 đại biểu đã phát biểu, tập trung vào các nhóm giải pháp, gồm: Chính sách hỗ trợ vốn và kỹ năng khởi nghiệp cho lao động hồi hương; tăng vai trò của gia đình, cộng đồng trong giám sát, động viên người lao động; công khai minh bạch thông tin công ty uy tín, tránh lừa đảo; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sau xuất khẩu, kết nối việc làm - đào tạo - tài chính cho lao động về nước.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng nhấn mạnh, việc đưa lao động ra nước ngoài không chỉ là bài toán giải quyết việc làm, mà còn là chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu lao động Việt Nam. Muốn vậy, cần nâng chuẩn tay nghề, mở rộng thị trường, và quan trọng là giữ uy tín trong mắt đối tác quốc tế.
![]() |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp Phan văn Thắng. Ảnh: Thanh Mai |
Dựa trên các phân tích thực tiễn và số liệu toàn quốc, có thể định hình một số hướng đi trọng tâm:
Một là, đầu tư vào đào tạo nghề và ngoại ngữ tại chỗ. Cần có quỹ đào tạo nghề địa phương kết hợp với xã hội hóa, tập trung vào ngành nghề kỹ thuật cao, phù hợp với thị trường có thu nhập tốt như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỗi địa phương nên có trung tâm liên kết – đào tạo – xuất khẩu lao động theo mô hình một cửa.
Hai là, quy hoạch thị trường xuất khẩu có chọn lọc: Không mở rộng ồ ạt, mà cần tập trung vào thị trường ổn định, có nhu cầu lâu dài và yêu cầu cao – để từng bước nâng tầm lao động Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thay đổi chính sách tại nước tiếp nhận.
![]() |
Đại biểu đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp. Ảnh: Thanh Mai. |
Ba là, giám sát môi giới - minh bạch hợp đồng: Tăng cường kiểm tra, công khai danh sách công ty uy tín, phạt nặng hành vi lừa đảo. Cần xây dựng Cổng thông tin lao động ngoài nước, kết nối người dân - doanh nghiệp - cơ quan quản lý để minh bạch hóa quy trình.
Bốn là, chính sách hậu xuất khẩu: Khởi nghiệp – việc làm – tín dụng. Lao động hồi hương cần được hỗ trợ tiếp cận vốn vay khởi nghiệp, kết nối hợp tác xã hoặc doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ biến kinh nghiệm thành tài sản.
Hội nghị tại Đồng Tháp không chỉ là một sự kiện địa phương, mà còn là gợi mở chính sách ở tầm quốc gia. Nếu biết cách chuyển từ tư duy “xuất khẩu lao động” sang “phát triển nhân lực quốc tế”, Việt Nam sẽ không chỉ tăng lượng kiều hối, mà còn sở hữu một lớp lao động tinh hoa, sẵn sàng quay về khởi nghiệp, làm chủ quê hương.