Bán bảo hiểm nhân thọ dưới hình thức gửi tiết kiệm: Nhìn từ góc độ pháp lý
Bán bảo hiểm “đội lốt” gửi tiết kiệm đầu tư
Thời gian vừa qua, nhiều khách hàng đã gửi đơn đến Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khiếu nại về việc được nhân viên ngân hàng tư vấn, giới thiệu, chào mời sử dụng sản phẩm tiết kiệm đầu tư với nhiều ưu đãi và mức lãi suất hấp dẫn, nhưng thực chất những sản phẩm tiết kiệm đầu tư này là việc bán bảo hiểm nhân thọ “trá hình”.
Trước khi gửi tiền tiết kiệm đầu tư vào bất kỳ một sản phẩm nào có mức lãi suất hấp dẫn tại các ngân hàng, mỗi khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ về từng gói sản phẩm trước khi đưa ra quyết định có nên đầu tư hay không? Ảnh minh họa (Nguồn: vneconomy.vn). |
Tháng 6/2021, chị Đỗ Như Hương biết tới sản phẩm “Tâm An đầu tư” khi đến chi nhánh của Ngân hàng Sài Gòn (SCB) tại Hà Nội đáo hạn sổ tiết kiệm. Khi được nhân viên SCB gợi ý chuyển sang hình thức tiết kiệm đầu tư linh hoạt kỳ hạn 6 năm, được rút trước hạn và hưởng lãi suất cao hơn, chị Hương đã nhiều lần tỏ ý nghi ngờ, nhân viên SCB vẫn khẳng định “sản phẩm này không phải là bảo hiểm nhân thọ mà là tiết kiệm kết hợp đầu tư”. Tới khi nhận thông báo từ hãng bảo hiểm Manulife yêu cầu đóng thêm khoản phí 50 triệu đồng để duy trì hợp đồng bảo hiểm, chị Hương mới hay “không có khoản tiết kiệm nào ở đây”. 110 triệu đồng này đã được bỏ vào sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư của Manulife, trong đó 50 triệu đồng là khoản phí bảo hiểm cơ bản đóng hàng năm, 60 triệu còn lại phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư. Chị Hương cho biết nhân viên ngân hàng cam kết mức lãi 9,5% một năm, nhưng điều này là sai sự thật, chị Hương phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi đầu tư, thậm chí khoản tiền đầu tư này có lúc lỗ mấy chục phần trăm [1].
Vụ việc trên là một trong số rất nhiều vụ việc mà khách hàng phản ánh, khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền về việc nhân viên một số ngân hàng tư vấn, giới thiệu, chào mời sử dụng sản phẩm tiết kiệm đầu tư không trung thực, minh bạch; đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Đối với những vụ việc như vậy, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, rất khó để quy kết trách nhiệm cho những nhân viên ngân hàng giới thiệu, tư vấn, chào bán sản phẩm cho khách hàng bởi thông thường tính pháp lý của những tài liệu mà khách hàng cung cấp không “đủ mạnh”, chưa thực sự rõ ràng để các cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó để đưa ra những nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ của vụ việc.
Khách hàng cùng viết đơn khiếu nại sau khi nhận ra đã mua bảo hiểm nhân thọ thay vì gửi tiết kiệm. Ảnh: Bông Mai. |
Có quan điểm cho rằng, hành vi của những nhân viên ngân hàng khi tư vấn, giới thiệu, chào mời khách hàng sử dụng sản phẩm tiết kiệm đầu tư nhưng thực chất là bán bảo hiêm nhân thọ “trá hình” có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, dấu hiệu pháp lý về mặt khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản sản đó một cách gian dối. Cụ thể, đó là hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối ở đây là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) để chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như lời nói, chữ viết, hành động để chiếm đoạt tài sản. Trong Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị hại (chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản) phải là người nhận được thông tin gian dối từ phía người phạm tội và tin vào thông tin gian dối đấy. Và vấn đề quan trọng mang tính chất quyết định trong việc định tội danh đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối phải đi kèm với hành vi chiếm đoạt tài sản.
Quay trở lại với nội dung của hai vụ việc kể trên, việc nhân viên ngân hàng giới thiệu, tư vấn, chào mời sử dụng sản phẩm tiết kiệm đầu tư có thể có hành vi gian dối là đưa ra những thông tin không đúng sự thật trong việc tư vấn, chào bán, giới thiệu sản phẩm của ngân hàng; và khách hàng là người nhận được những thông tin gian dối đó. Tuy nhiên, hành vi gian dối này không đi kèm với hành vi chiếm đoạt, nhân viên ngân hàng không chiếm đoạt số tiền mà khách hàng gửi tiết kiệm đầu tư nhưng thực chất là mua bảo hiểm nhân thọ, thực tế có thể là do áp lực doanh số, áp lực chỉ tiêu của cấp quản lý nên buộc những nhân viên ngân hàng này phải làm trái với lương tâm, dẫn tới tình trạng khi tư vấn, chào bán các sản phẩm đến khách hàng, nhân viên ngân hàng cố tình nhập nhằng, mập mờ, luồn lách các thông tin để tìm cách bán bảo hiểm cho khách hàng. Hành vi này xét về mặt đạo đức là sai, nhưng xét về mặt pháp lý hiện chưa có chế tài quy định cụ thể để có thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề.
Tờ rơi về quà tặng kèm khi tham gia gói "Tiết kiệm thông minh" mà khách hàng được chào mời. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Những kiến nghị hạn chế tình trạng bán bảo hiểm nhân thọ dưới hình thức gửi tiết kiệm
Thứ nhất, trước khi gửi tiền tiết kiệm đầu tư vào bất kỳ một sản phẩm nào có mức lãi suất hấp dẫn tại các ngân hàng, mỗi khách hàng cần phải tìm hiểu kỹ về từng gói sản phẩm trước khi đưa ra quyết định có nên đầu tư hay không, cần phân biệt rõ ràng về tiền gửi tiết kiệm và bảo hiểm đầu tư và hãy lưu ý một điều “những gì ngon, bổ thì sẽ thường không rẻ”. Việc tìm hiểu thông tin về các gói sản phẩm gửi tiết kiệm tại ngân hàng có thể thông qua người thân, bạn bè hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng… Quá trình làm việc với nhân viên tư vấn của các ngân hàng, khách hàng nên ghi âm, quay lại video quá trình nhân viên tư vấn trao đổi, giới thiệu về gói sản phẩm của ngân hàng làm căn cứ, cơ sở khiếu nại nếu có tình huống phát sinh. Khi nhân viên ngân hàng đưa xác nhận chữ ký trên từng hợp đồng của gói sản phẩm, khách hàng cần đọc kỹ nội dung ghi trên hợp đồng, trách các trường hợp gửi tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm. Đối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần minh bạch hóa các gói sản phẩm của mình cho khách hàng và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của ngân hàng; đồng thời, lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần quán triệt đội ngũ nhân viên làm nhiệm vụ tư vấn chào bán, giới thiệu sản phẩm phải trung thực, không chạy theo chỉ tiêu mà dẫn dắt lời nói sai sự thật khiến khách hàng hiểu sai, hiểu không đúng về các gói sản phẩm.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các công văn chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng về cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó, chú trọng chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng phải nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Đồng thời, cần ban hành chế tài xử lý phù hợp đối với những trường hợp nhân viên, đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần ban hành Thông tư hướng dẫn và biện pháp thi hành đối với Luật kinh doanh bảo hiểm, tăng cường công tác quản lý, giám sát và thanh tra theo chuyên đề, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, trong đó lưu ý hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
Khi nhân viên ngân hàng đưa xác nhận chữ ký trên từng hợp đồng của gói sản phẩm, khách hàng cần đọc kỹ nội dung ghi trên hợp đồng, trách các trường hợp gửi tiết kiệm thành hợp đồng mua bảo hiểm. Ảnh: Q.T: |
Thứ ba, nếu trong tình huống xấu nhất có thể phát sinh, những khách hàng “trót” gửi tiết kiệm nhưng không biết bản chất là mua bảo hiểm nhân thọ, cần nhanh chóng liên hệ theo đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước theo số điện thoại 02438266344 hoặc 02439361017, địa chỉ Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn hay đường dây nóng của Bộ Tài chính theo số điện thoại 02422208018, địa chỉ Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn để các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng tiếp nhận thông tin, có phương hướng xử lý kịp thời đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của khách hàng.
Chú thích:
1 https://vnexpress.net/ngan-hang-bi-to-ban-bao-hiem-doi-lot-tiet-kiem-dau-tu-4572453.html
Nhận diện 4 bất cập khi phát triển kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng quá nóng Bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) ngày càng trở nên phổ biến. Việc phát triển thị trường bảo hiểm quá nóng, trong đó kênh ... |
Khách tố nhân viên ngân hàng tư vấn sai lệch để kí hợp đồng bảo hiểm, TPBank nói gì? Đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa chia sẻ với Nhịp sống Doanh nghiệp về việc khách hàng khiếu nại việc bị nhân ... |
Các nhà băng Việt đang chi bao nhiêu cho bảo hiểm tiền gửi? Theo thống kê của chúng tôi từ báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của 26 ngân hàng niêm yết cho thấy, trong tổng ... |