Ban hành giá đất hàng năm: Lãng phí nguồn lực, có thể phản ứng ngược
Giải pháp định giá đất sao cho "sát - tiệm cận" với giá trị thị trường |
Tại Khoản 1 Điều 154 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định: “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1.1 của năm. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình Hội đồng thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của Hội đồng thẩm định bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi quyết định ban hành”.
Đà Nẵng tổ chức hội thảo lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về Luật Đất đai sửa đổi. Ảnh: Thùy Trang |
Tuy nhiên, có góp ý về nội dung này, Sở Tư pháp Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về thời gian xây dựng, ban hành bảng giá đất hàng năm.
Lý do là vì việc xây dựng bảng giá đất phải trải qua quy trình nhất định gồm nhiều bước chuẩn bị khác nhau như lập dự án xây dựng bảng giá đất, lựa chọn đơn vị tư vấn khảo sát điều tra giá đất thị trường, tổng hợp kết quả, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền xem xét thông qua, ban hành.
Trong khi đó, giá đất trên thị trường không thường xuyên biến động theo năm, việc ban hành bảng giá đất hàng năm nhưng thực tế thị trường không có biến động nhiều về giá sẽ dẫn đến sự lãng phí thời gian, ngân sách của nhà nước; đồng thời có thể gây tác động ngược trở lại tới giá các loại đất và tài sản gắn liền với đất trên thị trường bất động sản.
Thậm chí, thời gian điều chỉnh quá ngắn có thể dẫn tới trường hợp bảng giá đất điều chỉnh trước thị trường, chẳng hạn trong năm xây dựng bảng giá, tại thời điểm điều tra, khảo sát thì giá đất thị trường chưa có biến động nhiều, nhưng đến khi chuẩn bị trình ban hành thì lại có đột biến về giá trên thị trường.
Điều này sẽ gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý tình huống “lệch pha” về giá giữa bảng giá đất và thị trường.
Do đó, Sở Tư pháp Đà Nẵng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại thời gian ban hành định kỳ bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế.
Đồng tình với ý kiến trên, Văn phòng Đăng kí đất đai TP Đà Nẵng cũng cho rằng, việc xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm và áp dụng bảng giá từ ngày 1.1 của năm không hợp lý còn bởi, việc thay đổi bảng giá đất hàng năm có thể gây khó khăn cho công dân và cán bộ trong việc áp dụng bảng giá đất mới.
Văn phòng Đăng kí đất đai thành phố đề xuất bảng giá đất nên được đánh giá, xây dựng sau khoảng thời gian 5 năm, đó là khoảng thời gian đủ dài để mặt bằng giá đất thay đổi lớn để xây dựng lại bảng giá đất tránh gây lãng phí nguồn lực của nhà nước
Phát biểu tại phiên tổng kết các ý kiến của hội thảo lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về Luật Đất đai sửa đổi, ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, đây là nội dung đang có nhiều ý kiến và riêng với Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu quy định ban hành giá đất hàng năm thì cán bộ Sở chỉ suốt ngày đi hỏi ý kiến sở, ngành, thông qua HĐND...
“Quy định hiện hành là 5 năm, dự thảo hiện nay là 1 năm thì có ý kiến có thể là 2 hoặc 2,5 năm ban hành 1 lần. Khi có biến động về giá đất từ 20% (tăng hoặc giảm) trong 180 ngày liên tục thì chúng ta điều chỉnh. Còn nếu làm hàng năm thì nguồn lực địa phương không đáp ứng nổi" - ông Vinh cho hay.
“Bất cập trong cơ chế xác định giá đất khiến thị trường bất động sản bị rối loạn” Đây là góp ý của PGS.TS Ngô Trí Long trong những quy định về giá đất trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên ... |