Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “2023 là năm về dữ liệu”
2023 là năm về dữ liệu
2022 là năm mà Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được Chính phủ bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, về công nghiệp công nghệ số, về giao dịch điện tử.
Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Nhiệm kỳ này, nhiều bộ luật của ngành được sửa đổi như Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Báo chí.
Năm 2022, một số chiến lược quốc gia trong từng lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành như chiến lược bưu chính, hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, an toàn, an ninh mạng (Bộ Công an chủ trì), công nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí.
2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số. “500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số chưa từng có. Các giao dịch về kết nối và chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần. Các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản được thành lập và đi vào hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong năm 2022, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đầu tư mạnh ra thị trường nước ngoài, “đi làm chuyển đổi số” cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đạt 3 tỷ USD, của FPT về công nghệ thông tin và chuyển đổi số đạt 1 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ TT&TT cổ vũ xu hướng đầu tư quốc tế của các doanh nghiệp Việt và khẳng định: “Có cái chuyển đổi số Việt Nam rồi ra nước ngoài, có cái lại chuyển đổi số nước ngoài trước rồi về Việt Nam. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được”.
Năm 2022, Việt Nam cũng ban hành các nghị định về quản lý nền tảng xuyên biên giới. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam được quản lý giống nhau, loại bỏ tình trạng “bảo hộ ngược” - doanh nghiệp trong nước bị quản lý chặt còn doanh nghiệp nước ngoài lại được buông lỏng.
Chia sẻ về kế hoạch năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ 2023 là năm về dữ liệu. Các định hướng chủ yếu gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, an toàn dữ liệu.
Bộ TT&TT giữ vai trò cầm nhịp, tạo ra và khai thác dữ liệu. Làm ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Bộ cam kết tập trung vào các kết quả thực chất. Về bưu chính, đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Về viễn thông, giải quyết triệt để SIM rác và thương mại hoá 5G. Về dịch vụ công trực tuyến, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến. Về chuyển đổi số, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%.
Về công nghiệp công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm tạo ra sự cộng hưởng trong nước và nước ngoài. Về báo chí, xuất bản và truyền thông, cần sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của nền tảng xuyên biên giới, giải quyết vấn đề về tư nhân hoá báo chí, báo hoá tạp chí, trang tin, mạng xã hội.
Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng. Từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính. Công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới trở thành động lực cơ bản.
Với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số càng có ý nghĩa quyết định. 3 động lực của ngành là công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số. Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số hãy tạo lên chiếc cánh công nghệ Việt Nam”.