Cần mở rộng thêm 2 đối tượng vay mua nhà ở xã hội để giấc mơ an cư gần hơn với NLĐ
Người độc thân thu nhập không quá 15 triệu đồng/tháng sẽ được mua nhà ở xã hội |
Ảnh minh hoạ. |
Sau 1 năm triển khai, tiến độ giải ngân gói tín dụng 125.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn "ì ạch”. Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Xây dựng nên điều chỉnh quy định của gói tín dụng này để người mua cũng như chủ đầu tư dễ tiếp cận hơn.
Giải ngân gói tín dụng 125.000 tỷ đồng còn... ế
Mới đây, một ngân hàng thương mại (NHTM) đã tham gia gói tín dụng này, nâng tổng giá trị gói vay lên 125.000 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với trước. Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện gói tín dụng ưu đãi này mới giải ngân được 415 tỷ đồng (chưa tới 1%), với 6 dự án. Số tiền các NHTM đã giải ngân cho người mua nhà cũng chỉ hơn 540 triệu đồng tại 2 dự án.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: “Gói tín dụng hiện có lãi suất giảm thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay thông thường, phần giảm này được sử dụng từ chính nguồn lực của các NHTM. Các đối tượng thụ hưởng gói này do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì quy định, NHNN chỉ cho vay theo quy định. Chương trình này có thể kéo dài đến năm 2030 hoặc đến khi giải ngân hết 125.000 tỷ đồng”.
Theo NHNN, nguyên nhân giải ngân chậm là do thứ nhất, nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Hiện mới có 28 tỉnh, thành công bố danh mục NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, các tỉnh tập trung công bố kể từ tháng 7/2023 đến nay. Tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn chương trình này.
Thú hai, một số dự án còn vướng về mặt pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Do đó, các ngân hàng chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án.
Thứ ba, người mua nhà và chủ đầu tư đều cho rằng, lãi suất cho vay còn quá cao, những quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp.
Theo ông Đào Minh Tú: “Thời gian qua, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ là tìm cách để giảm lãi suất hơn nữa, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tích cực triển khai để gói 125.000 tỷ đồng đi vào cuộc sống. Nhưng việc giảm lãi suất cụ thể thế nào cũng tùy thuộc vào các NHTM, bảo đảm cơ chế hài hòa, bởi tiền huy động của các NHTM là tiền của nhân dân, ngân hàng cho vay cũng phải đảm bảo hiệu quả cao”.
Cần mở rộng đối tượng vay gói 125.000 tỷ đồng
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết: “Có thể thấy, việc phải hoàn thành 428.000 căn trong khoảng thời gian ngắn khó khả thi. Đối với gói tín dụng 125.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội cũng chỉ mới giải ngân được 415 tỷ đồng là rất thấp”.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, đây là gói tín dụng do các NHTM đề xuất hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung, trong đó có hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội, ngân hàng không có trách nhiệm cung cấp vốn cho thị trường.
Mới đây, Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã đề nghị NHNN xem xét mở rộng đối tượng được vay gói 125.000 tỷ đồng đối với người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống.
Theo đó, HoREA đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn chi ngân sách Nhà nước trung hạn để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, để bố trí tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng lớn: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV được NHNN chỉ định thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng nhà ở xã hội.
Hiệp hội kiến nghị "NHNN mở rộng thêm 2 đối tượng được vay gói 125.000 tỷ đồng bao gồm người mua nhà ở thương mại có giá từ 3,5 tỷ đồng/căn trở xuống và chủ nhà trọ được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp nhà trọ cho công nhân, lao động thuê ở”.
Theo Hiệp hội, người mua, thuê mua nhà ở xã hội đang có tâm lý ngại vay gói tín dụng 125.000 tỷ đồng với sự tham gia của 5 NHTM do phải chịu lãi suất cao 7,5%/năm với thời hạn vay 5 năm, mức lãi suất này còn bị điều chỉnh 6 tháng 1 lần và sau thời hạn ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thỏa thuận, thả nổi.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 - 5%, thời hạn vay tối đa 25 năm Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/2/2023 để thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023 đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua nhà ở xã hội, để thực hiện Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), ở phân khúc nhà ở xã hội, trong giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu cần 1,24 triệu căn, kế hoạch thực hiện 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 nhu cầu 1,16 triệu căn, kế hoạch thực hiện 634.200 căn. Đến hết quý I/2024, Việt Nam mới hoàn thành 37.868 căn, đạt 8,9% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tăng 4,3% so với cuối năm 2023; 127 dự án đã khởi công, quy mô 107.896 căn và 301 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư mới, quy mô 265.486 căn. |
Bộ Xây dựng đề xuất giải pháp để có 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã giao trong năm 2024 nỗ lực phấn đấu trên địa bàn cả nước hoàn thành ... |