Chủ trương cho người có thu nhập thấp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi chỉ 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội là chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn, người mua nhà và ngân hàng vẫn không dễ gặp nhau.
Chuyên gia cho rằng, hầu hết các đối tượng được vay vốn mua nhà ở xã hội đều là những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở và được hưởng chính sách thông qua nhà ở xã hội.
Mặc dù đã có chính sách giảm giá nhà xuống mức thấp nhưng tổng giá trị căn hộ vẫn ở mức cao so với người thu nhập thấp. Trên thực tế, có nhiều người mua nhà ở xã hội không vay được vốn từ nguồn ngân hàng chính sách xã hội nên tỷ lệ người được vay hiện nay khá ít, "cánh cửa" mua nhà người thu nhập thấp vẫn hẹp.
Về vấn đề này, đại diện doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng, việc hỗ trợ chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp cần được tổ chức rộng rãi, mở rộng các ngân hàng để người dân có thể tiếp cận được vốn vay.
Khi khả năng thanh toán của nhiều hộ gia đình còn khó khăn, nếu không được hỗ trợ thì ít người mua được nhà. Và khi tỷ lệ mua nhà thấp cũng trở thành bài toán cho các chủ đầu tư, bởi khi nhà ở xây xong không bán được sẽ không kích thích được thị trường, không kích thích được các bên tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài ra, có nhiều ngân hàng tham gia cho vay vốn ưu đãi thì việc tiếp cận vốn vay của người mua nhà sẽ thuận lợi hơn. Mặt khác, hiện nay một số ngân hàng đang làm rất tốt việc cho vay, thẩm định khách hàng từ gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây, nên thủ tục được giải quyết nhanh hơn. Bên cạnh đó, nếu thu hẹp cửa vay ưu đãi sẽ ảnh hưởng đến tâm lý mua nhà, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Các đối tượng cho vay đều là người lao động có thu nhập thấp, các đối tượng không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thường xuyên. Điều đáng lưu ý là thời hạn vay do Nhà nước và khách hàng thỏa thuận phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng, tối đa không quá 25 năm.
Nghị định 49/2021 (sửa đổi Nghị định 100) của Chính phủ cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức vốn, lãi suất cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo để ở.
Cụ thể, đối với mua, thuê mua nhà ở xã hội thì mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng. Còn nếu xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán. Và tối đa không quá 500 triệu, không vượt quá 70% giá trị tài sản đảm bảo. Mức cho vay cụ thể sẽ được Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay xem xét, sẽ căn cứ vào nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng,... để xem xét mức cho vay phù hợp.
Mức lãi suất cho vay chỉ 4,8%/năm là rất phù hợp với người lao đông có thu nhập thấp, việc tiếp cận nguồn vốn hiện nay cũng không có gì khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong những năm qua chính là nguồn cung nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, theo quy định, người mua nhà có thể vay với hạn mức 80% tổng giá trị hợp đồng, có nghĩa nếu mua nhà 1 tỷ đồng người dân buộc phải có 200 triệu đồng. Đối với người thu nhập thấp thì số tiền 200 triệu vẫn là rất lớn. Chưa kể, hiện nay không thể kiếm nhà ở xã hội có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Đó cũng chính là lý do khiến cho việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho người thu nhập thấp để mua nhà rất khó.