Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp sợ nhất những "cú phanh gấp"
Tại tọa đàm "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 8/10, đánh giá về một số giải pháp "mạnh" được Chính phủ chỉ đạo, chấn chỉnh trong thời gian qua, nhất là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, PGS.TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, sau 2, 3 năm dịch thị trường đang rất thiếu vốn. Do đó, việc bơm vốn cho nền kinh tế là việc phải làm.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh bơm bằng cách nào, bơm như thế nào để giữ được an toàn cho kinh tế, đồng thời đảm bảo được tăng trưởng kinh tế là điều phải rất chú ý.
VỐN LÀ VẤN ĐỀ TRỌNG YẾU ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP
Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thị trường tài chính Việt Nam hiện gồm hai yếu tố là thị trường tiền tệ; thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp). Sự nở rộ của thị trường trái phiếu, gọi là "tăng trưởng nóng" phải đặt trong bối cảnh nguồn vốn bơm ra cho nền kinh tế, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, rất chậm. Bên cạnh đó, nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bơm ra giải ngân cũng rất chậm.
"Như vậy, nguồn lực chúng ta kỳ vọng rất nhiều để phục hồi kinh tế, thay đổi diện mạo nền kinh tế sau dịch lại chậm và trong trường hợp đấy, sự bùng nổ của thị trường vốn tư nhân là rất có ý nghĩa để giúp giải tỏa cơn khát. Có thể sinh ra chuyện này, chuyện kia vì bùng nổ là không thể tránh khỏi", ông Thiên nhìn nhận.
Ông Thiên cho rằng, với thị trường vốn hiện tại cần các giải pháp khơi thông trở lại bởi gần đây Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết một số sự cố làm cho thị trường này ngưng lại, tức là "nguồn máu" của tư nhân cũng bị ngưng lại.
Còn thị trường tiền tệ, vốn vay ngân hàng, theo phân tích của chuyên gia này, bản chất thị trường là ngắn hạn, không thể để tình trạng rủi ro quá, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới quá nhiều rủi ro như hiện nay. Theo ông trong cấu trúc tài chính tiền tệ thì việc ứng xử của ngân hàng như vừa qua cơ bản là phù hợp.
"Tất nhiên có thể nới thêm nữa bởi vì năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của ta tương đối tốt nhưng Chính phủ phải tập trung giải quyết những vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu đang có vấn đề rất nghiêm trọng. Chính phủ tập trung vào chỗ này là điều kiện bắt buộc và phải làm. Việc này tiếp cận không phải để phục vụ lợi ích nhóm mà là "bơm máu" vào nền kinh tế để tạo ra các động lực mới khôi phục đà phát triển của nền kinh tế. Nếu không chúng ta đánh mất thời cơ", ông Thiên đánh giá.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế - Ảnh: VGP |
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, việc vừa rồi Chính phủ đưa ra Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp là một nỗ lực theo tinh thần như vậy. Tuy nhiên, ông cho rằng, làm được nghị định này đáp ứng được nhu cầu như hiện nay là không dễ vì vừa an toàn lại vừa thỏa mãn cơn khát.
"Chúng ta phải tiếp tục bàn, nhất là khi đối mặt với nền kinh tế hiện nay và có thể kéo dài hơn nữa, khó khăn chồng chất. Chúng ta muốn dịp này là một dịp để doanh nghiệp Việt có cơ hội phục hồi, trỗi dậy mạnh mẽ thì cần phải đặc biệt chú ý đến cấu trúc phát triển vừa hỗ trợ phát triển thị trường tài chính để phục vụ doanh nghiệp", ông Thiên nói và lưu ý "tình thế khó khăn bất thường thì giải pháp phải khác thường, nếu cứ tuân theo giải pháp thông thường thì không hỗ trợ được vấn đề".
Đồng ý với quan điểm ông Thiên nêu ra, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công khẳng định, vốn là vấn đề trọng yếu đối với doanh nghiệp, là vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp.
"Khi doanh nghiệp đã đói vốn thì lúc đó họ không mong đợi một bữa ăn ngon, bữa ăn giá rẻ nữa, mà cứ có là họ ăn thôi. Nhiều khi chúng ta nói có ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp nhưng khi doanh nghiệp đang đói thì không đợi được. Do đó, trong thời gian vừa rồi có thể có những bùng nổ không còn tuân thủ được nữa vì doanh nghiệp quá 'đói' vốn", Chủ tịch VCCI nêu thực tế.
Ông Phạm Tấn Công cho rằng hiện nay cái vừa là điểm nghẽn, vừa là điểm nóng vừa là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn.
"Trong điều hành kinh tế, cũng như đối với doanh nghiệp, điều sợ nhất là những 'cú phanh gấp', tức là những chính sách không lường trước được", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh và lưu ý phải rất khéo léo, rất thông minh để giải bài toán này.
Theo ông Phạm Tấn Công, giai đoạn COVID-19, bài toán khó này đã được giải khá tốt rồi nhưng sắp tới đây giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Ông kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt và tin tưởng với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thách thức này có thể vượt qua được.
QUY TRÌNH, THỦ TỤC VAY VỐN VẪN LÀ BÀI TOÁN ĐAU ĐẦU NHẤT
Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn CMC cho biết, nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, nên cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền.
"Đối với các doanh nghiệp là khách hàng của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy, năng lực về quản trị, năng lực về chuyển đổi số, năng lực về thông tin và trình bày kế hoạch còn hạn chế nên việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng rất khó khăn", ông Tùng cho biết.
Theo lãnh đạo Tập đoàn CMC, trong thời gian dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội tập trung vào quản trị doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp và chuyển đổi số nên giai đoạn dịch đi qua, các doanh nghiệp này đã bắt kịp và phát triển rất nhanh. Nhưng khi doanh nghiệp đã xây dựng nội lực, hệ thống, chương trình, cuối cùng vẫn phải quay lại câu hỏi vốn đâu để phát triển?
"Tôi nghĩ chúng ta cũng cần hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình thúc đẩy khai thông nguồn vốn. Không những về vốn, khi chúng tôi đi xin một giấy phép nào đó thì quy trình và thủ tục vẫn luôn là bài toán đau đầu nhất, gây ức chế rất lớn", ông Tùng cho biết và đề xuất các bên cần ngồi với nhau để tìm ra hướng giải quyết và ra kết quả bởi quan trọng nhất vẫn là kết quả.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank - Ảnh: VGP |
Trong khi đó, từ góc độ của ngân hàng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sacombank khẳng định các ngân hàng luôn luôn xác định đồng hành cùng khách hàng, nhất là các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn, cân đối giữa lợi nhuận, thậm chí hy sinh một phần lợi nhuận.
"Năm 2021, chúng tôi đã hy sinh gần 3.000 tỷ đồng lợi nhuận. Chúng tôi đã chia sẻ và đồng hành từ hỗ trợ lãi suất, miễn giảm phí, miễn giảm lãi vay… và ủng hộ phòng, chống dịch", bà Diễm cho biết.
Tổng giám đốc Sacombank cho biết thêm, gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ cũng đưa ra chính sách hỗ trợ lãi suất như Nghị định 31, Thông tư 03; áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ lãi suất, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ mức 2%... Hiện nay NHNN đã đã phân hạn mức đó cho các ngân hàng áp dụng và tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp, đưa chính sách hỗ trợ giảm lãi suất này xuống cho doanh nghiệp.
Bà Diễm đánh giá, những định hướng xuyên suốt của Chính phủ, của NHNN đều được các ngân hàng ủng hộ và hưởng ứng. Tuy nhiên, theo bà cũng cần nhìn nhận thực trạng là giữa những định hướng, quyết sách, nghị định của Nhà nước đi vào thực tế có một khoảng cách rất xa.
"NHNN, Chính phủ lấy gói hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ nhưng doanh nghiệp rất ngại tiếp cận với gói hỗ trợ lãi suất do điều kiện, thanh tra, hậu kiểm, rồi sau nhiều năm có khi lại sai phạm. Cho nên cần quan tâm, chú trọng hơn trong vấn đề giữa nghị định, chính sách và thực tế", bà Diễm nói.
Còn với sự hỗ trợ, đồng hành cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng quan trọng nhất bây giờ, doanh nghiệp cần vốn nhưng room tín dụng có những hạn hẹp nhất định do phải điều tiết chính sách giữa lạm phát và điều hành kinh tế ổn định.
"Sacombank phải sàng lọc doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp tiêu dùng rồi cho vay cá nhân, cho vay online, cuối cùng mới tới bất động sản và trái phiếu. Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn giữa những chính sách kinh tế vĩ mô, điều hành ổn định, NHNN và Chính phủ sẽ có những quyết sách lớn để ủng hộ vấn đề này", bà Diễm đề nghị.