Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tăng khoảng 1,7% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, như vậy tính từ mức đáy vào ngày 24/10/2022, chỉ số đã tăng khoảng 20%. Các chỉ số chứng khoán tại Hồng Kông và Hàn Quốc tăng điểm kéo theo nhiều chỉ số trong khu vực tăng điểm, thị trường chứng khoán Nhật trong khi đó đóng cửa nghỉ lễ.
Diễn biến tăng điểm trong phiên gần nhất đánh dấu thay đổi bước ngoặt của chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương. Trước đó, chỉ số đã có lúc giảm đến 40% tính từ mức đỉnh vào đầu năm 2021 khi mà Trung Quốc kiên quyết duy trì chính sách không COVID-19 và các cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc kéo thị trường giảm điểm khi nhu cầu chip toàn cầu đi xuống. Các cổ phiếu của Trung Quốc vốn chiếm tỷ trọng cao tại thị trường châu Á đã đảo chiều sau khi chính quyền Trung Quốc phát đi thông điệp dịch chuyển khỏi chính sách kiểm soát COVID-19.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương tăng 3,7%, cao hơn nhiều so với mức tăng của chỉ số S&P 500. Vào năm ngoái, chỉ số này đã giảm khoảng 19% và như vậy có năm giảm điểm tệ hại nhất tính từ năm 2008.
Chiến lược gia cao cấp tại quỹ Saxo Capital Markets, ông Charu Chanana, nhận xét: “Quá trình tăng điểm diễn ra nhanh và mạnh, chính vì vậy cũng hoàn toàn tự nhiên khi mà có những hoạt động chốt lời xảy ra. Hiện đang có những rủi ro nhất định, ví như việc BOJ thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ sang hướng thắt chặt và tình hình lợi nhuận doanh nghiệp có những khó khăn. Tuy nhiên vẫn còn dư địa để các thị trường châu Á tăng điểm mạnh hơn so với thị trường toàn cầu trong năm 2023”.
Thị trường chứng khoán tại Trung Quốc đã có khởi đầu năm 2023 đầy ấn tượng sau khi mắc kẹt trong xu thế suy giảm trong phần lớn của năm ngoái trong những nỗi lo về khả năng các biện pháp kiểm soát virus gây ra nhiều ảnh hưởng kinh tế. Rủi ro về quy định và thêm các biện pháp hỗ trợ để khôi phục lại thị trường bất động sản đã mang đến cú huých quan trọng cho thị trường, giúp kéo thị trường châu Á lên điểm.
Chỉ số của cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông tăng 1,7% tính đến đầu phiên chiều, và tính từ đầu năm đến nay chỉ số đã tăng được hơn 8%. Cổ phiếu Alibaba Group Holding kéo cổ phiếu công nghệ tăng điểm sau khi một quan chức cấp cao của Trung Quốc cho biết sẽ chấm dứt các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo.
Cổ phiếu Goldman Sachs kéo cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc lên điểm sau khi giới chức Trung Quốc điều chỉnh chính sách với bất động sản và kiểm soát Internet. Trong khi đó, cổ phiếu công nghệ tại châu Á đồng thời hồi phục bởi xuất hiện những chỉ báo rằng Fed sẽ hãm tốc độ nâng lãi suất.
“Đồng USD đang yếu đi, chính vì vậy thanh khoản trở lại thị trường châu Á – Thái Bình Dương. Tôi tin rằng trong năm 2023, thị trường sẽ tăng điểm ổn định hơn so với năm 2022 bởi triển vọng kinh tế khu vực có những cải thiện”, giám đốc điều hành tại quỹ CEB International Investment – ông Banny Lam phân tích.
Chính phủ Trung Quốc đã thông báo người dân nước này sẽ không phải cách ly khi trở về từ nước ngoài bắt đầu từ ngày 8/1/2023. Thông báo đó đã thúc đẩy một đợt đặt phòng tăng vọt từ thị trường du lịch ra nước ngoài lớn nhất thế giới tính theo số liệu năm 2019.
Khoản chi tiêu lên tới 255 tỷ USD một năm của du khách Trung Quốc trên toàn cầu gần như bị đình trệ trong đại dịch. Điều này đã dẫn tới một “lỗ hổng” lớn trên thị trường châu Á, nơi một loạt quốc gia từ Thái Lan đến Nhật Bản đều phụ thuộc vào Trung Quốc như nguồn khách nước ngoài lớn nhất.
Dữ liệu của ứng dụng theo dõi chuyến bay VariFlight cho thấy, các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc hiện chỉ tương đương 8% so với mức trước đại dịch. Các hãng hàng không đang tìm cách tăng cường công suất bay, khi các nhà chức trách nới lỏng các giới hạn áp đặt trong mùa dịch đối với hoạt động hàng không.
Nhà phân tích Cheng Weng của công ty tư vấn tài chính Morningstar cho hay các hãng hàng không Trung Quốc có thể sẽ tăng đáng kể công suất từ cuối tháng 3/2023, trùng với thời điểm bắt đầu mùa lên lịch bay mùa hè.