Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến ngày 9/2 với hàng chục nghìn chỉ tiêu việc làm hấp dẫn. Trong các địa phương tham gia, Bắc Giang là địa phương có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất với 44.789 chỉ tiêu.
Mục đích của phiên giao dịch việc làm trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới.
![]() |
10 tỉnh thành phía Bắc đồng loạt tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối người lao động và doanh nghiệp |
Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các doanh nghiệp chiếm tới 97%, tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, đại học chiếm 2%, công nhân kỹ thuật và trung cấp chiếm 1%. Đặc biệt, mức lương tuyển dụng khá cao, từ 10-15 triệu đồng/tháng chiếm tới gần 50%, trên 15 triệu đồng/tháng chiếm 19%, từ 7-10 triệu đồng/tháng chiếm 6%, từ 5-7 triệu đồng/tháng chiếm 11%, thoả thuận chiếm 5%. Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm lao động có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi.
Riêng tại Hà Nội, Sàn giao dịch Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và 14 sàn vệ tinh trên địa bàn Thành phố có 38 doanh nghiệp tham gia, với 1.139 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, có 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỉ lệ cao nhất (47,3%), còn lại, 52,7% thuộc các lĩnh vực thương mại-dịch vụ, xây dựng, giáo dục…
Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm tới 57% với 650 lao động; lao động có trình độ trung cấp-công nhân kỹ thuật có 259 chỉ tiêu, chiếm 22,7%; lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có 230 lao động, chiếm 20,3%.
Về mức thu nhập, mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng chiếm 22% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Mức thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng chiếm 42,3%, dành cho các vị trí việc làm ổn định, như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng chiếm 25%, dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường, hoặc các công việc thời vụ… Còn lại là mức thu nhập do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn bảo đảm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18 – 25 tuổi. Đây là cơ hội cho người lao động trẻ nhiệt huyết với công việc qua đó sẽ đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết, thị trường việc làm có sự sôi nổi và tăng hơn so với cuối năm 2022, cận Tết. Dự báo quý 1-2023, các doanh nghiệp Hà Nội có nhu cầu tuyển 100.000 - 120.000 lao động mới.
Ngành logistics cần 10.000 - 15.000 người, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tuyển 10.000 - 12.000 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhóm ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe cũng tuyển nhiều.
Đánh giá về phiên kết nối việc làm, ông Thành nhận định, chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại phiên việc làm kết nối 10 tỉnh, thành phố ngày 9/2 tương đối lớn ở nhiều ngành nghề khác nhau. Thông qua hoạt động tuyển dụng có thể thấy cơ hội việc làm rất nhiều, người lao động đi tìm kiếm việc cũng khả quan. “Tình hình thị trường lao động sau Tết đã có sự đôi động và tăng trưởng so với thời điểm cuối năm 2022 do một số yếu tố tác động ảnh hưởng đến việc tuyển dụng giảm sút”, ông Thành thông tin.