Công chức, viên chức và nỗi lo giá cả “leo thang” dù được tăng lương cơ sở
Theo Nghị định số 24/2023 Chính phủ vừa ban hành ngày 14/5, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang, là 1,8 triệu đồng/tháng, tính từ 1/7/2023.
Đi kèm với niềm vui lương cơ sở được tăng kể từ tháng 7 là nỗi lo giá cả cũng “đội nón” tăng theo. Dù phải còn gần 2 tháng nữa mới chính thức tăng lương cơ sở nhưng ngay từ bây giờ giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã gia tăng.
Đầu tiên phải kể đến là giá điện, Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Không chỉ giá điện, giá nước cũng có xu hướng tăng. Dự kiến giá nước sạch tới đây sẽ tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.
Công chức, viên chức lại lo lắng giá cả tăng cao dù được tăng lương cơ sở (Ảnh minh họa). |
Một công chức Quận Cầu Giấy (Hà Nội) tỏ ra khá vui mừng khi thông tin sắp được tăng lương. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui sắp được tăng lương, chị cùng các đồng nghiệp vẫn canh cánh nỗi lo giá cả tăng theo.
Người này cho biết, không chỉ giá điện, giá nước, mà ngay cả đến giá cốc trà đá cũng tăng theo.
“Trước đây, bún chả chỉ 25.000 đồng/1 suất, nay đã tăng lên 35.000 đồng/1 suất; trà đá bình thường 2- 3.000 đồng/1 cốc thì nay cũng tăng lên 5.000 đồng/1 cốc. Chưa kể rau cỏ đều tăng… khiến tôi rất áp lực”, công chức này tâm sự.
Do đó, chị cùng đồng nghiệp cũng phải tiết giảm các hoạt động ăn uống vì lương không tăng, mà giá cả thứ gì cũng nhích lên.
Trước thực trạng này, bà Nguyễn Lan Hương – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, tăng lương là chuyện mừng, nhưng tăng lương phải tính tới việc kìm giá lạm phát. Lịch sử ghi nhận câu chuyện tăng lương luôn kèm tăng giá. Đôi khi lương chưa tăng, giá cả đã tăng rồi.
“Nói đúng ra không hẳn là tăng lương, tăng giá, mà do lạm phát nên giá cả tăng liên tục. Vì thế giá tăng đâu có đợi lương, nên nói tăng lương tăng giá là cũng chưa hẳn đúng, mà phải nói điều chỉnh tiền lương bù trượt giá”, bà Hương nói.
Theo đó, bà Hương kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp kiểm soát giá, phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động. Riêng với nhóm công chức, viên chức, bà Hương cho rằng tiền lương còn quá thấp, cần điều chỉnh gấp, mức độ điều chỉnh phải cao thì tiền lương của khu vực công mới đuổi kịp tiền lương của khu vực tư.